FDI sụt giảm trong quý I/2014

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong quý 1, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt hơn 3,3 tỷ USD, bằng 50,4% so với cùng kỳ.

Như vậy, tính tới cuối tháng 3, cả nước mới có 252 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, bằng 61,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chỉ có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,3 tỷ USD, chỉ bằng 39,3% so với cùng kỳ.

Formosa, một trong những dự án FDI lớn nhất đầu tư Việt Nam (Ảnh: Thanh Hoài)
Formosa, một trong những dự án FDI lớn nhất đầu tư Việt Nam (Ảnh: Thanh Hoài)

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguyên nhân khiến số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ năm 2013 là do trong quý I năm 2013 có một số dự án rất lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư với nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD. Đó là dự án công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD. Dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD.

Trong khi đó, quý 1 năm nay chỉ chứng kiến sự điều động vốn dao động trên dưới 200 triệu USD. Cụ thể, dự án Công ty TNHH Bệnh viện quốc tế Đại An Việt Nam – Canada do Canada đầu tư chỉ có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 225 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics của Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 210 triệu USD.

Như vậy, kết quả này có vẻ trái ngược với một năm 2013 đầy bứt phá. Song, theo các chuyên gia, việc nhận định nguồn vốn FDI không thể chỉ căn cứ kết quả của 1 tháng hay 1 quý. Bên cạnh đó, điều đáng chú ý hơn cả là nguồn vốn giải ngân thì vẫn đạt mức tăng thêm 5,6%. Tại hội thảo "Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, môi trường đầu tư, cơ sở vật chất ở Việt Nam dù được cải thiện song vẫn còn nhiều điểm yếu. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI từ nhiều quốc gia như Lào, Myanmar, Campuchia… Do đó, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam cần nhanh chóng tăng cường các liên kết giữa DN FDI với DN nội địa nhằm tạo ra giá trị nội tại thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2013, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định với tỷ lệ lạm phát thấp đã khiến lòng tin của các nhà đầu tư được củng cố, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Trong năm 2014, đà tăng trưởng này vẫn có. Bên cạnh đó, việc Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương TPP hy vọng được ký kết trong năm 2014 cũng như việc các nhà đầu tư Nhật đang có xu hướng chuyển dịch vốn từ Trung Quốc, Ấn Độ sang các nước ASEAN, là những điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn FDI vào Việt Nam.

Theo Đại Đoàn kết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast