Giá cước nhà mạng nào hiện đang rẻ nhất?

Cuộc đua ngầm “nhà mạng nào có giá cước rẻ nhất” giữa Viettel, MobiFone, VinaPhone dường như đã ngã ngũ

Trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường di động, giá cước rẻ hơn đồng nghĩa với việc nhà mạng cạnh tranh hơn, hút khách hơn. Tuy nhiên, không dễ so sánh giá cước, bởi các nhà mạng tung ra nhiều gói dành cho các nhóm đối tượng khác nhau, khiến khách hàng rơi vào “mê hồn trận” gói cước

Về cước thuê bao trả sau, Viettel, VinaPhone và MobiFone có sự khác nhau đáng kể. Nếu cước thuê bao trả sau nội mạng và ngoại mạng của VinaPhone và MobiFone bằng nhau (nội mạng 880 đồng/phút, ngoại mạng 980 đồng/phút), thì Viettel cao hơn 10 đồng/phút (nội mạng 890 đồng/phút, ngoại mạng 990 đồng/phút).

Giá cước nhà mạng nào hiện đang rẻ nhất? ảnh 1

Cước thuê bao trả sau của VinaPhone bằng mức cước của MobiFone và rẻ hơn của Viettel 1.000 đồng.

Với tin nhắn, nhắn tin nội mạng của MobiFone và VinaPhone là 290 đồng/tin, còn của Viettel là 300 đồng, trong khi tin nhắn ngoại mạng của cả 3 đều áp giá 350 đồng/tin.

Tương tự, cước thuê bao trả sau của VinaPhone và MobiFone rẻ hơn cước trả sau của Viettel 1.000 đồng (49.000 đồng so với 50.000 đồng/tháng)

Điểm khác biệt về giá cước giữa 3 nhà mạng còn thể hiện ở các gói cước cùng nhóm đối tượng và nhu cầu sử dụng tương đồng nhau. Ví dụ ở gói trả trước cho các khách hàng có nhu cầu thoại nhiều, hay di chuyển (của VinaPhone là gói VinaCard, MobiFone là gói MobiCard và Viettel là gói Economy), thì gói cước thoại nội mạng/ngoại mạng của VinaPhone, MobiFone bằng nhau (nội mạng là 1.180 đồng/phút và ngoại mạng là 1.380 đồng/phút) và rẻ hơn 10 đồng/phút so với Viettel (nội mạng 1.190 đồng/phút, ngoại mạng 1.390 đồng/phút).

Đối với gói cước trả trước dành cho các khách hàng có nhu cầu thoại nhiều, ít có nhu cầu di chuyển (VinaPhone có gói cước MyZone, MobiFone là gói MobiZone và Viettel là gói HappyZone), thì cước nội mạng của VinaPhone/MobiFone cùng ở mức giá 880 đồng/phút, ngoại mạng là 1.280 đồng/phút, trong khi Viettel áp giá nội mạng là 890 đồng/phút và ngoại mạng là 1.290 đồng/phút.

Tương tự, ở gói cước trả trước dành cho đối tượng khách hàng trẻ (VinaXtra của VinaPhone, MobiQ của MobiFone và Tomato của Viettel), giá cước thoại nội mạng/ngoại mạng và gói dành cho sinh viên, gia đình của VinaPhone và MobiFone đều rẻ hơn của Viettel từ 10 đồng/phút.

Đặc biệt, gói cước dành cho đối tượng đặc thù là ngư dân có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi VinaPhone (gói Biển đảo), MobiFone (gói Biển Đông) có giá cước đều là 880 đồng/phút (nội mạng) và 1.280 đồng/phút (ngoại mạng), thì Viettel (gói SEA+) có giá cước nội mạng là 1.590 đồng/phút và ngoại mạng tới 1.790 đồng/phút.

Nhìn chung, “soi” giá cước thoại của 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone ở thời điểm hiện tại thì rõ ràng, slogan “rẻ như Viettel” không còn đúng. Phần lớn khách hàng vẫn nghĩ rằng, cước của Viettel là rẻ, cho dù sự thực không phải là như vậy. Đây cũng là một thành công về tạo ấn tượng cho khách hàng của Viettel.

Hơn 10 năm trước, khi Viettel tham gia thị trường dịch vụ di động, nhằm phá thế độc quyền của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) lúc đó, và để phổ cập sử dụng điện thoại, hàng loạt cơ chế đã ra đời để Viettel có thể áp dụng cạnh tranh bằng giá cước thấp hơn. Và chỉ vài năm sau, với chiến lược giá cước rẻ, Viettel đã giành được thị phần, ngồi ngang hàng với VinaPhone và MobiFone của VNPT. Cho đến thời điểm 3G đi vào cuộc sống, Viettel đã chiếm ngôi đầu bảng, đẩy VinaPhone và MobiFone tụt lại phía sau.

Đến năm 2010, khi nhận ra phần lớn “miếng bánh” đã bị Viettel giành mất, VNPT đã đề xuất giảm giá cước 10 - 15%.

Đến nay, so sánh về giá cước trả trước và trả sau, VinaPhone là nhà mạng có giá cước rẻ nhất, nhưng trong tâm niệm của nhiều người, slogan “rẻ như Viettel” vẫn còn giá trị.

Giờ đây, MobiFone không còn thuộc VNPT và VinaPhone đã trở thành một tổng công ty chủ lực của VNPT. Cả hai đang đổi mới mô hình hoạt động và hừng hực khí thế cạnh tranh trên thị trường.

Với nhiều lợi thế về hạ tầng, nhân lực và việc sở hữu hạ tầng tối ưu, chất lượng cao, phủ sóng toàn quốc, có hệ thống cửa hàng bán lẻ khắp toàn quốc và đặc biệt là được tháo chiếc vòng “kim cô” về quy định giá cước (do không còn là “doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường”), VinaPhone đang từng bước lấy lại thị phần của mình.

Rõ ràng, trong cuộc đua ngầm “nhà mạng giá rẻ nhất”, VinaPhone đang chiếm lợi thế. Bởi nhà mạng này được phép áp dụng các chương trình khuyến mãi đặc biệt ưu đãi mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước, trong khi đó, Viettel vẫn phải bó buộc bởi quy định này. Rất có thể, VinaPhone sẽ tận dụng lợi thế đó để tăng sức cạnh tranh, thu hút nhiều thuê bao đến với mình.

Theo Báo Đầu tư

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast