Giá điện rập rình tăng

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn giá bán điện năm 2014. Theo đó, nhiều khả năng giá điện sẽ tăng ít nhất 34 đồng/ kWh; hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ được áp dụng giá của bậc 1 (993 đồng/kWh) cho 50 kWh đầu tiên trong tháng.

Quy định cho có lệ

Theo dự thảo này, hộ có mức sử dụng điện thấp là hộ sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, thường xuyên có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng và có đăng ký với bên bán điện. Giá điện cho bậc thang đầu tiên chỉ áp dụng cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp (993 đồng/kWh, các hộ thông thường giá điện là 1.418 đồng/kWh). Hộ nghèo và hộ chính sách xã hội theo đúng tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được áp dụng giá của bậc 1 cho 50 kWh đầu tiên trong tháng.

Giá điện tăng sẽ tạo áp lực lên sản xuất, sinh hoạt của người dân (ảnh minh họa)
Giá điện tăng sẽ tạo áp lực lên sản xuất, sinh hoạt của người dân (ảnh minh họa)

Điểm mới nữa của dự thảo là quy định: Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà hoặc đại diện người thuê trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Giá điện cho người thu nhập thấp không có gì phải bàn song các quy định về giá điện cho người lao động nghèo thuê nhà đã có không ít các ý kiến "nghi ngờ". Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: "Đang tồn tại thực trạng người đi thuê nhà (chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động phổ thông và công nhân trong các khu công nghiệp), bị chủ nhà trọ bán giá điện rất cao mà không bị xử lý".

Giá bán lẻ điện của Nhà nước được quy định ở mức 1.835 đồng/kWh và phải tiêu thụ trên 400kWh người tiêu dùng mới phải trả mức 2.420 đồng/kWh. Thế nhưng, những người lao động, sinh viên thuê nhà phải trả giá cao gấp 2-3 lần so với mức quy định, có khi lên tới 3.500 đến 4.000 đồng/kWh.

“Theo Nghị định 134 có hiệu lực từ năm 2013, nếu vi phạm về giá điện cho người thuê nhà, chủ nhà sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng, song đến nay vẫn chưa thấy chủ nhà trọ nào bị phạt còn người đi thuê vẫn phải trả giá điện cao. Điều này cho thấy nếu chỉ quy định cho có lệ như dự thảo thông tư lần này sẽ không có nhiều tác dụng"- ông Phong nói.

Sẽ lại là một gánh nặng

Một điều nữa dễ nhận thấy là dự thảo thông tư này của Bộ Công Thương dự kiến sẽ được ban hành và có hiệu lực sau khi có quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán điện năm 2014. Nhiều chuyên gia nhận định: Khi cơ cấu giá điện năm 2014 được ban hành sẽ là thời điểm giá điện tăng lên.

Nhiều chuyên gia đánh giá, bài ca tăng giá điện là câu chuyện nhiều năm nay được bàn đến và vẫn chưa có hồi kết. Các chuyên gia cho rằng, để điều chỉnh giá điện, quan trọng nhất là EVN phải công khai minh bạch giá cả và cần cân nhắc về tác động của việc điều chỉnh.

Năm 2013, nhờ giá tăng, doanh thu bán điện toàn EVN năm 2013 ước đạt 172.470 tỷ đồng, tăng 19,85% so với năm 2012. Giá bán điện bình quân thực hiện năm 2013 của EVN ước đạt 1.498,8 đồng/kWh, tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012.

Năm 2014, EVN tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh có lãi sau hàng loạt những quyết định có tính "mở đường" cho việc tăng giá như lộ trình tăng giá 22% trong 2 năm và được phép tăng 7% thay vì 5% như trước đây, nghĩa là giá bán điện bình quân năm nay sẽ tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, năm 2014, EVN phải cần tới gần 6 tỷ USD để đầu tư cho điện, số tiền nợ gốc và lãi vay lên tới gần 33.000 tỷ đồng; trong khi mục tiêu sản xuất và kinh doanh điện lại phải có lãi thì EVN sẽ không còn cách nào khác là phải tiếp tục xin tăng giá điện.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho hay, cuối năm 2013, giá điện tăng 5% mới là mức tăng thấp nhất mà ngành điện có thể tăng do vậy, giá điện tăng trong năm nay là khó tránh để ngành này bù đắp đủ chi phí.

Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng Nguyễn Minh Duệ nhìn nhận giá điện tăng dù muốn hay không vẫn là gánh nặng cho cả xã hội. Do vậy, để doanh thu tăng, ngành điện cần giảm chi phí thông qua tiết kiệm trong khâu phát, truyền tải, phân phối và sử dụng điện năng. Ngoài ra, hệ thống điện còn cồng kềnh, vấn đề quan trọng trước mắt là phải đổi mới, tái cơ cấu, không phải cứ nói lỗ là tăng giá điện.

Theo Nông thôn Ngày nay

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast