Giá xăng dầu giảm, thị trường không biến động

(Baohatinh.vn) - Sau 8 lần giảm liên tiếp, giá xăng dầu đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người dân, giá cả tiêu dùng, dịch vụ hàng hóa, cước vận tải vẫn… “giẫm chân tại chỗ”.

Thị trường vẫn đứng yên

Sau lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 23/10, giá xăng hiện ở mức 22.340 đồng/lít, giá dầu 19.760 đồng/lít. Qua 8 đợt giảm liên tiếp, xăng giảm tổng cộng 3.300 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.890 đồng/lít, dầu diesel giảm 3.060 đồng/lít và dầu mazut giảm 9 lần.

Giá xăng dầu giảm, thị trường không biến động ảnh 1

Giá xăng dầu biến động theo hướng đi xuống nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ vận tải... vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

Sự tăng giảm của giá xăng dầu có tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù giá xăng dầu đã trở về mức thấp, thị trường vẫn không có nhiều biến động. Qua khảo sát, giá vé ô tô, tàu hỏa hiện chưa có dấu hiệu điều chỉnh. Theo nhận định của Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Văn Minh - Nguyễn Đàm Văn: “Giá xăng dầu giảm liên tiếp trong thời gian gần đây không đủ cho doanh nghiệp (DN) vận tải hạ giá cước”.

Chi phí xăng dầu chỉ chiếm 20% tổng doanh thu vận tải, vì vậy, đây vẫn chưa phải là yếu tố quyết định mức giá. Điều kiện để thay đổi giá cước là tổng giá xăng dầu tăng (giảm) phải vượt quá 10% nhưng 10 tháng đầu năm 2014, giá xăng dầu giảm khá nhỏ giọt nên tác động không đáng kể. Chưa kể, DN phải mất rất nhiều thời gian và chi phí làm lại thủ tục. Bởi vậy, giá cước vận tải khó có thể thay đổi theo chiều hướng đi xuống.

Đặc biệt, trái với suy nghĩ của nhiều hành khách, giá vé xe buýt lại tăng nhẹ. Cụ thể, tăng từ 28.000 đồng lên 30.000 đồng đối với 50 km trở lên, từ 22.000 lên 24.000 đồng cho quãng đường 25-30 km, từ 8.000 lên 10.000 đồng ở khoảng cách dưới 10 km…

Trong khi đó, giá cả tiêu dùng vẫn không “nhúc nhích”. Chị Nguyễn Thị Bích Huệ, chủ cửa hàng rau, củ, quả tại chợ Hà Tĩnh giải thích: “Do đầu mối giao hàng vẫn báo giá cũ và cước vận tải không giảm nên giá cả các mặt hàng vẫn đứng yên. Trái lại, một số mặt hàng rau, củ, quả còn có xu hướng tăng giá do yếu tố thời tiết”. Ngoài ra, không ít đầu mối lấy lý do nguồn cung khan hiếm trong khi lượng cầu tăng cao để né tránh việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu ít nhiều ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN. “Sau 8 lần xăng dầu giảm giá kể từ đầu năm đến nay, chúng tôi tiết kiệm được 10% chi phí nhiên liệu và được một số DN vận tải bớt cước vận chuyển. Nhưng, không phải đối tác nào cũng chấp nhận khấu trừ chi phí”, Giám đốc công ty CP Nước khoáng Sơn Kim - Võ Văn Hiệp cho biết.

Bất lợi cho người tiêu dùng

Sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, hàng loạt hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là giá cước vận tải nhanh chóng “chạy đua”. Tưởng rằng, giá xăng dầu biến động theo hướng đi xuống sẽ “chiều lòng” người dân, nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại. Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi khi mức giá thị trường đứng yên.

Em Nguyễn Thị Ly, sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ: “Trước đây, em chỉ cần bỏ ra 20.000 đồng cho một lượt xe buýt để về nhà nhưng giờ đã tăng lên 22.000 đồng”. Trong khi đó, một số khách hàng tại chợ Hà Tĩnh bày tỏ mong muốn giá cả các mặt hàng tiêu dùng cần có sự điều chỉnh phù hợp nhằm kích thích sức mua.

Khi giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải cũng cần phải có sự thay đổi hợp lý. Song, điều bất cập hiện nay là mức giá này do chính các DN tự quyết định. Sự điều chỉnh giá cước thời gian qua mới chỉ quan tâm đến lợi ích DN mà chưa coi trọng quyền lợi của khách hàng. Giữa môi trường cạnh tranh khốc liệt, nếu DN không tuân theo quy luật thị trường sẽ rất dễ bị đào thải. Bởi vậy, các hãng vận tải cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể điều chỉnh giá cước trong thời gian ngắn. Ngoài ra, một số DN nhỏ nên có phương án giảm giá để tăng sức cạnh tranh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast