Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế

Tại Diễn đàn DN VN cuối kỳ (VBF) do Ngân hàng Thế giới tổ chức, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có chung nhận định là tốc độ cổ phần hóa (CPH) tại khu vực DNNN diễn ra rất chậm chạp, khu vực ngân hàng xử lý nợ xấu chưa đứt điểm, đang gây ra nhiều lo ngại.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một diễn đàn đối thoại chính sách giữa cộng đồng DN và chính phủ hàng năm

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một diễn đàn đối thoại chính sách giữa cộng đồng DN và chính phủ hàng năm

Báo cáo từ ban Diễn đàn VBF cho biết, hiện tốc độ CPH khu vực DNNN đã giảm mạnh trong những năm vừa qua. Từ hơn 800 DN được CPH trong năm 2004 - 2005 đã giảm xuống còn 13 DN vào năm 2012. Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về tiến độ CPH trong các năm tiếp theo và dấy lên nhiều quan ngại về nguy cơ dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp.

Chưa bắt kịp với sự thay đổi của nền kinh tế

Ông Steven Winkelman - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) cho hay, không chỉ giảm về số lượng, chúng tôi còn lo ngại về tình trạng DNNN đã được chuyển đổi thành Cty TNHH một thành viên hoặc Cty CP với việc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nhưng lại chưa có các quy chế quản trị và giám sát đặc thù.

Từ năm 1986 nền kinh tế VN đã dần chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng khu vực DNNN vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. "Đáng tiếc là khu vực DN này chưa bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Đấy chính là nguyên nhân dẫn tới tốc độ CPH ở khu vực này không thay đổi so với khu vực DN tư nhân đã có sự bứt phá mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Ông Dominic Scriven – Tổng Giám đốc Dargon Capital Trưởng nhóm công tác thị trường vốn của WB khẳng định, đã đến lúc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các Cty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm. Trước mắt, có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các Cty niêm yết về dưới 50% sau đó có thể giảm xuống mức dưới 35%. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quá trình CPH các Cty 100% vốn Nhà nước cũng như rà soát để giảm bớt danh sách ngành nhạy cảm…

Theo phản ánh của nhiều chuyên gia, có một thực tế hiện nay, trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ tập trung khu vực DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của VN cũng sẽ không còn.

Ứớc tính cho thấy khu vực DNNN đang chiếm tới 40% cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ các DNNN được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, thuế trong khi doanh thu và lợi nhuận thấp và hoạt động không hiệu quả…

Ông Sato Motonobu - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN nhấn mạnh chính điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do dẫn đến việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này. Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần tiến hành cổ phần hóa các DNNN trong thời gian sớm nhất có thể để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường.

Còn ông Seck Yee Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore dẫn chứng: Ở VN hiện nay chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa các DNNN được thành lập với những mục tiêu thương mại với mục đích tìm kiếm lợi nhuận với DNNN phi thương mại được thành lập để thực hiện những nhiệm vụ xã hội, bảo đảm quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng cơ bản.

Nên để công chúng giám sát hoạt động DNNN

Đã đến lúc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các Cty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm.

Theo kiến nghị của đa số các nhà hoạch định chính sách, DN có vốn ĐTNN, để khuyến khích tăng trưởng kinh tế lành mạnh, khu vực DNNN phải tuân thủ các quy luật thị trường và phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Tuy nhiên, nếu các DNNN thương mại được hưởng các ưu đãi, đối xử đặc biệt của nhà nước thì những doanh nghiệp này sẽ có khả năng kiểm soát, chi phối thị trường, từ đó ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng với DN tư nhân.

Là người hoạch định chính sách, Chính phủ phải điều tiết thị trường theo hướng không phân biệt đối xử giữa DNNN và tư nhân. Là “chủ sở hữu DN”, Chính phủ phải bảo đảm DNNN hoạt động hiệu quả, bền vững, và để làm điều đó đòi hỏi phải có cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch…

Từ những dẫn chứng trên, các thành viên công tác tại nhóm thị trường vốn thuộc WB rất mong muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống quản lý Nhà nước, cần có một chế tài giám sát hiệu quả và minh bạch đối với khu vực DNNN. Theo đó, Chính phủ có thể xem xét việc huy động công chúng tham gia giám sát các thông tin liên quan đến hoạt động của khu vực DNNN, đồng thời ban hành quy chế công bố thông tin về hoạt động của các Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các Cty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng Cty Nhà nước… Như vậy sẽ tránh hệ lụy như Vinalines, Vinashin…

Ông Alain Cany - Nguyên là Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham), đồng Chủ tịch VBF khẳng định, với đóng góp rất nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, chúng tôi hy vọng VPF lần này sẽ là “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình đến hành động” sẽ đưa ra những vấn đề cốt lõi nhất để các cơ quan của Chính phủ cũng như cộng đồng DN tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp tích cực nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh của VN.

Theo Hà Phương (dddn.com.vn)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast