Giảm lãi suất - nguồn huy động ổn định, dư nợ tăng dần

Gần 1 tháng lãi suất đầu vào và đầu ra đồng thời giảm sâu, diễn biến của thị trường tín dụng đang có những tín hiệu đáng mừng. Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Tĩnh khá ổn định, dư nợ cho vay đang tăng dần. Mục tiêu khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo động lực mới cho nền kinh tế ngày càng khả quan hơn.

Tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn

Quyết định giảm lãi đầu vào khá sâu và đồng loạt ở các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đã có tác động rõ rệt đến mặt bằng lãi suất chung. Không có áp lực về tính thanh khoản (khả năng thanh toán) cộng với thực trạng tồn đọng vốn chung đã khiến các NHTM cổ phần ngoài quốc doanh không đưa lãi suất huy động lên cao để thu hút nguồn. Nhờ đó, lãi suất huy động phổ biến của các TCTD trên địa bàn chỉ còn 7-8%/năm, các kỳ hạn dài (12 và trên 12 tháng) cao nhất cũng chỉ 9-10%/năm. Thị trường huy động vốn không xảy ra những đợt cạnh tranh nguồn gay gắt đã giúp nguồn vốn tiết kiệm dân cư không có sự dịch chuyển đáng kể từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn được người dân lựa chọn trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Mai Thủy
Tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn được người dân lựa chọn trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Mai Thủy

Theo thông tin từ Vietcombank Hà Tĩnh (đơn vị tiên phong giảm lãi đợt này), sau gần 1 tháng giảm lãi suất huy động, tiền gửi dân cư của Chi nhánh tăng gần 60 tỷ đồng, tốc độ tăng khá so với các thời điểm trước đó. Còn theo Vietinbank Hà Tĩnh, nguồn vốn huy động dân cư từ ngày 8/5 (thời điểm bắt đầu giảm lãi) đến 30/5 tăng 32 tỷ đồng. Mặc dù từ đầu năm đến nay, lãi suất từng bước giảm dần nhưng nguồn vốn huy động tiết kiệm dân cư của Chi nhánh 5 tháng đầu năm vẫn tăng 15%.

Tương tự như vậy, trong khoảng thời gian gần 1 tháng giảm lãi, nguồn vốn dân cư của Agribank Hà Tĩnh và BIDV Hà Tĩnh vẫn tăng ổn định. Điều này chứng tỏ khi lãi suất của các TCTD ở mức tương đương thì thương hiệu, mối quan hệ truyền thống và công tác chăm sóc khách hàng là yếu tố quyết định việc thu hút nguồn. Sự ổn định về nguồn của 4 chi nhánh NHTM lớn đồng thời thực hiện giảm lãi trong đợt này cho thấy lộ trình giảm lãi phù hợp với thực tiễn và đang tạo nền tảng để các NHTM lớn triển khai các bước giảm đầu ra trên diện rộng.

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong 5 tháng đầu năm, nguồn vốn tiết kiệm dân cư của tất cả các TCTD trên 20%, đưa tổng nguồn vốn huy động và quản lý trên địa bàn lên trên 20.000 tỷ đồng. Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp và kiểm soát nội bộ - Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh khẳng định, mặc dù lãi suất huy động giảm dần, tuy nhiên, lạm phát đang được kiểm soát nên với lãi suất tiết kiệm hiện tại người dân vẫn đang có lãi. Cộng với bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn khiến nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư không dịch chuyển từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác.

Dư nợ khả quan hơn

Nếu như 3 tháng đầu năm, tổng dư nợ trên địa bàn tăng xấp xỉ 3%, thì trong 2 tháng tiếp theo (tháng 4 và tháng 5), dư nợ đã tăng lên thêm 3%, đạt khoảng 6% vào cuối tháng 5 và với tốc độ này, ước đến cuối tháng 6, con số này sẽ đạt trên 8%. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thời điểm từ giữa năm đến cuối năm, nhu cầu vốn cho SXKD thường lớn hơn so với đầu năm. Cộng với đó sự tiếp sức của một mức giá lãi suất hợp lý như hiện nay và chiến lược tìm đầu ra nguồn vốn của các ngân hàng đang mở ra triển vọng rõ nét về tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.

Theo số liệu từ BIDV Hà Tĩnh, nếu như trong 3 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng ở Chi nhánh hầu như không chuyển động thì từ tháng 4, con số này bắt đầu nhích dần, riêng tháng 5 tăng được 60 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ 5 tháng đầu năm đã đạt trên 4%. Tại Agribank Hà Tĩnh, với nhiều giải pháp đẩy mạnh cho vay được triển khai từ đầu năm cùng với việc lãi suất ở lĩnh vực nông nghiệp giảm xuống mức tối đa 10%/năm, đầu ra nguồn vốn đang tiếp tục được khơi thông. Theo ông Trần Sỹ Thu - Phó Giám đốc Agribank Hà Tĩnh, đến cuối tháng 5, tốc độ tăng trưởng dư nợ của Chi nhánh đã đạt trên 6,7%. Nguồn vốn chủ yếu được đầu tư cho SXKD trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hơn 350 tỷ đồng cho vay theo Quyết định 26 về hỗ trợ lãi suất cho phát triển các mô hình sản xuất của tỉnh với lãi suất 0,65%/tháng.

Hiện nay, các NHTM đang tập trung quyết liệt nhiều giải pháp tăng trưởng dư nợ. Theo đó, thực hiện việc khoán chỉ tiêu cho vay, yêu cầu cán bộ tín dụng chủ động tìm kiếm khách hàng, các ngân hàng còn triển khai những gói kích cầu riêng với lãi suất hấp dẫn. Riêng

Vietcombank Hà Tĩnh hiện đang đồng thời triển khai 4 gói cho vay ưu đãi với mức lãi suất từ 7-0,96%/năm. Trong đó, mới nhất là “Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất VND đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tháng 5/2013” với lãi suất từ 7,5 - 9,6%/năm. Nguồn vốn đang dồi dào và các ngân hàng đều đang tìm cách mở rộng cánh cửa cho đầu ra nguồn vốn. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là sự nỗ lực nắm bắt cơ hội của DN và những tín hiệu sáng hơn từ thị trường để DN và ngân hàng cùng nhau vượt khó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast