Giữ gìn thương hiệu bún Đức Thọ

“Hữu xạ tự nhiên hương”, không marketing, không đăng ký nhãn hiệu nhưng từ lâu, bún Đức Thọ đã trở nên nổi tiếng... Đặc sản này không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn được các vùng lân cận, TP Hà Tĩnh, TP Vinh ưa chuộng...

Từ một lần vấp ngã…

Đã gần 2 tháng kể từ ngày bị lập biên bản thu hồi giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP, nhưng anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ cơ sở sản xuất bún bánh Liên Thanh (Tùng Ảnh) vẫn chưa hết hối hận. Anh Hoàng trầm tĩnh: “Công sức bao lâu đều bị đổ xuống sông, xuống bể mà chỉ tại mình. Hối hận lắm! Vợ tôi suốt ngày kêu ca vì sản phẩm bị tẩy chay. Tôi cũng buồn nhưng chỉ biết nín nhịn chứ kêu được ai. Tại mình mà. Tôi phải động viên vợ: cứ từ từ để cho tôi làm lại”…

Cán bộ phụ trách ATVSTP Trung tâm Y tế dự phòng Đức Thọ thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất bún.
Cán bộ phụ trách ATVSTP Trung tâm Y tế dự phòng Đức Thọ thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất bún.

Đau vì sản phẩm bị tẩy chay đã đành nhưng đau hơn là khó nhìn mặt người ta. Mấy ngày ấy, anh Hoàng đi đâu cũng bị người ta oán trách: “Răng mi lại làm rứa?…”. Những cái nhìn “ghẻ lạnh” đến nỗi anh Hoàng đã nghĩ đến việc bỏ nghề. Tuy nhiên, trăn đi trở lại, anh thấy nếu bỏ nghề có nghĩa là đầu hàng. “Phải lấy lại uy tín không chỉ cho sản phẩm mà quan trọng hơn là cho gia đình, cho làng nghề” - anh tự an ủi mình. Một ngày, hai ngày… anh kiên nhẫn đi giải thích hết người này đến người khác. Một số người cũng đã cảm thông và chia sẻ. Sản phẩm bún, bánh của nhà anh đã được thị trường đón nhận trở lại. Tuy nhiên, so với trước đây, số lượng giảm sút đáng kể.

Anh Hoàng phân trần: “Lỡ dại một lần thôi, giờ thì khiếp rồi. Đợt ấy, thời tiết xấu nên bánh phở hư nhiều. Tôi đi nhập hàng cứ kể chuyện này thì được một số người bày cho mua hóa chất để chống hỏng…”. Sau cú ngã, mất nhiều nhưng anh Hoàng cũng đã có thêm những cái được. Anh đã mày mò tìm cách chống hỏng cho bánh phở không cần hóa chất, đó là phương pháp ủ gạo. “Tôi đã thử làm đi làm lại mấy lần nhưng đến giờ thì đã khắc phục được đáng kể” - anh Hoàng nói.

… Đến giữ gìn thương hiệu đặc sản quê lúa

Không ai còn nhớ rõ bún Đức Thọ có từ đời nào nhưng có điều ai cũng biết đó là sản phẩm truyền thống, được truyền từ đời này qua đời khác của người dân. Nó không chỉ là nghề nuôi sống nhiều gia đình mà còn là hồn quê của vùng đất sông Lam, nơi có dòng nước mát trong và gạo ngon nổi tiếng. Nghề bún của gia đình anh Hoàng cũng được truyền từ cha mẹ. Ban đầu, vợ chồng anh làm bún hoàn toàn bằng thủ công. Mỗi ngày làm khoảng 1 thúng mang ra chợ bán. Dần dần nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường, vợ chồng anh tăng dần số lượng sản phẩm. Bước ngoặt lớn nhất là cách đây 4 năm, anh chị đã đầu tư 150 triệu đồng làm nhà xưởng và mua sắm một số thiết bị, dây chuyền. Mỗi ngày, xưởng của anh sản xuất khoảng 3 tạ bún; 80 kg bánh phở và 80 kg bánh mướt; tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động ngoài người trong nhà.

Mặc dù có máy móc hiện đại nhưng bún Đức Thọ vẫn giữ chất truyền thống. Anh Hoàng cho biết, bún Đức Thọ khác với các loại bún trên thị trường, ngoài chất lượng gạo ra là phương pháp ngâm ủ gạo. Để làm được bún, thường phải ngâm ủ gạo đến 5 ngày; biết chọn thời điểm vớt gạo ra để ủ tạo men. Màu bún đẹp phải là màu hoa cau.

Thế hệ trẻ Đức Thọ bây giờ gắn bó với nghề bún và làm giàu từ nghề bún cũng khá nhiều. Chị Nguyễn Thị Hương (thị trấn Đức Thọ) là một điển hình. Vợ chồng chị được truyền nghề từ ông bà nội, trước đây chỉ làm bằng thủ công, ngày vài chục kg bún mang ra chợ bán. Cuộc sống ổn định, có đồng vào đồng ra nhưng khó vươn lên làm giàu. Muốn thay đổi, 2 vợ chồng đã bỏ nghề đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, cuộc sống tha phương cũng không giản đơn. Hai vợ chồng trở về quê và quay lại với nghề bún. Lần này, anh chị quyết tâm tăng thu nhập từ nghề bằng cách tăng sản lượng. Một dây chuyền sản xuất bún được lắp đặt. Mỗi ngày, anh chị sản xuất 3 tạ bún, gấp 10 lần so với trước đây.

Gắn bó với nghề, trau nghề và vươn lên làm giàu từ nghề là những gì chúng tôi nhận thấy rõ ở những hộ sản xuất bún ở Đức Thọ. Tuy nhiên, cũng có một thực tế không thể giấu, đó là đa số các hộ SXKD này vẫn chưa vượt qua tư duy và thói quen sản xuất của người nông dân. Họ chỉ biết làm ra sản phẩm sạch theo cách của họ chứ chưa mấy để ý đến các điều kiện đảm bảo VSATTP theo qui định của Bộ Y tế. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề VSATTP, chị Hương rất tự tin về sản phẩm: “Bún đó, mọi người cứ thoải mái kiểm tra, muốn thử gì thì thử. Chúng tôi đảm bảo làm từ gạo 100%, không có chất gì thêm”. Là sản phẩm sạch 100%. Tuy nhiên, xét theo yêu cầu hiện nay thì chưa đạt. Dây chuyền sản xuất bún còn nằm trong khu nhà tạm bợ. Đơn giản nhất là thói quen thường ngày, chị vẫn dùng tay trần vốc bún khi giới thiệu sản phẩm an toàn với chúng tôi.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề ATVSTP xung quanh các cơ sở sản xuất bún, chị Đào Thị Lý – Phó trưởng khoa ATVSTP Trung tâm Y tế dự phòng, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP huyện Đức Thọ cho biết: Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, về cơ bản, các hộ sản xuất bún ở Đức Thọ chủ yếu theo phương pháp truyền thống. Riêng hộ anh Hoàng, có phát hiện chất phụ gia cấm nhưng đã xử lý kịp thời. Anh Hoàng cũng đã tỏ ra rất ân hận và tích cực khắc phục. Còn một số lỗi vi phạm VSATTP ở một số cơ sở khác chủ yếu xuất phát từ tư duy nông dân. Đa số hộ sản xuất bún không đủ vốn nên đầu tư chắp vá, không đáp ứng yêu cầu của một qui trình sản xuất. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở, đôn đốc họ cải tạo điều kiện làm việc. Đặc biệt, qua một số vụ xử phạt vừa qua, hầu hết các hộ đã nhanh chóng chấn chỉnh, cải tạo các điều kiện sản xuất.

Những người làm bún Đức Thọ hiện giờ đang rất trân trọng giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm. Bởi thứ đặc sản này không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho họ mà còn là một nét riêng của văn hóa ẩm thực vùng lúa Đức Thọ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast