Hạ lãi suất, ngân hàng vẫn khó cho vay

Thanh khoản dư thừa, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng..., thế nhưng tăng trưởng tín dụng hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Để kích cầu cho vay, nhiều ngân hàng đã phải cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, không phải cứ hạ lãi suất là ngân hàng có thể cho vay được.

Lãi suất cho vay bằng huy động

Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào do lượng tiền gửi dịp đầu năm tăng cao. Chẳng hạn tại hệ thống ngân hàng Agribank, từ sau dịp Tết Nguyên đán đến nay, chỉ tính riêng số tiền huy động từ khu vực dân cư đã đạt trên 50.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng lại âm. Tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013; trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,94%.

Nguồn vốn dồi dào nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay.
Nguồn vốn dồi dào nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay.

Trước tình hình “nghẽn” tín dụng trong khi nguồn vốn dư thừa, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay cho phù hợp. Làn sóng hạ lãi suất huy động được bắt đầu từ một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank, Techcombank và HD Bank với mức giảm từ 0,1 - 0,4% ở các kỳ hạn từ 1 - 6 tháng. Theo đó, lãi suất huy động VND tại các ngân hàng thương mại không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức từ 1 - 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5 - 7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5 - 7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5 - 8,5%/năm.

Không chỉ hạ lãi suất huy động, các ngân hàng còn hạ lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay đang ở mức bằng, thậm chí là thấp hơn cả lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng cho biết, chỉ cần có khách hàng có tiềm năng, ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất chỉ 5 - 8,5%/năm.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, sở dĩ ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn huy động vì muốn tìm đầu ra cho tín dụng để cắt lỗ. Có như vậy, ngân hàng mới có tiền để trả lãi suất huy động.

Hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 11,5 - 13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Những DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5 - 7%/năm.

Vẫn khó vay

Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Vietcombank, mặc dù ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, nhưng vẫn không kiếm được khách hàng để cho vay. Cụ thể, khi cho vay với lãi suất 5%/năm, ngân hàng chỉ cần điều kiện là DN xuất khẩu và phải chuyển 50 - 70% dòng tiền mua bán hàng hóa thông qua ngân hàng, cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Tương tự, đại diện Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay, đầu năm 2014, các chi nhánh đang mời DN vay với lãi suất cho vay khoảng 6%/năm nhằm khai thông đầu ra. Thế nhưng, vẫn ít DN nộp hồ sơ vay vốn. Nếu có, các hồ sơ này lại không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng.

Ông Phạm Ngọc Hưng cho biết, thực tế rất nhiều DN muốn vay vốn để duy trì sản xuất và mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua “sức đề kháng” của các DN suy yếu, nhiều DN phá sản, trong đó phần lớn là các DN sản xuất và tiêu thụ nội địa, DN vừa và nhỏ. Chỉ những DN có “tên tuổi”, xuất khẩu mới có thể trụ lại và phát triển. Trong khi đó, lãi suất cho vay của ngân hàng tuy hạ nhưng điều kiện cho vay lại không “hạ”. Do đó, dù muốn nhưng DN vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn vì mức độ tín nhiệm của DN không còn. Vì thế, dù có các gói tín dụng vừa rẻ vừa thừa nhưng các ngân hàng vẫn khó cho vay.

Đồng quan điểm, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho biết từ khá lâu rồi công ty không thực hiện những khoản vay với số tiền lớn, kỳ hạn dài. Do được xếp vào diện “lý lịch sạch” nên công ty liên tục được các ngân hàng chào mời vay vốn với lãi suất rất ưu đãi. “Có những ngân hàng sẵn sàng cho chúng tôi vay với mức lãi suất chỉ 6%/năm. Đây là mức lãi suất mà không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được”, ông Mười cho biết.

Theo ông Hưng, nếu thực sự cần vay vốn, DN nên thông qua chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của thành phố. Có như vậy, các DN sẽ được hỗ trợ về pháp lý, thủ tục làm hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, nếu quỹ bảo lãnh tín dụng hợp tác với ngân hàng tham gia đánh giá mức tín nhiệm của DN thì cơ hội vay vốn của DN sẽ tăng lên.

Hải Yên

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast