Hà Tĩnh sẽ là thị trường tiêu thụ điện lớn trong khu vực

Tiếp tục các buổi làm việc bên lề kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh vừa có buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Võ Kim Cự và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc Nguyễn Phúc Vinh cùng chủ trì buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc ưu tiên đẩy nhanh tiến độ và lộ trình đầu tư xây dựng các Trạm biến áp 110kV trên địa bàn theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến 2020 đã được phê duyệt
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc ưu tiên đẩy nhanh tiến độ và lộ trình đầu tư xây dựng các Trạm biến áp 110kV trên địa bàn theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến 2020 đã được phê duyệt

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh́ Võ Kim Cự đã báo cáo một số nét chính trong phát triển KT-XH tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến một số dự án trọng điểm đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: Tổng kho khí hoá lỏng Bắc Trung Bộ, Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng, Cảng Vũng Áng với 2 cầu cảng số 1 và số 2 (công suất 1,3 triệu tấn/năm), Nhà máy bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, Nhà máy cọc sợi Vinatex,...

Đồng thời, một số công trình, dự án lớn đang được nhà đầu tư huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa công suất giai đoạn đoạn 1 là 7,5 triệu tấn, vốn đầu tư gần 10 tỷ USD dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2014 (giai đoạn hai nâng công suất lên 15 triệu tấn, vốn đầu tư tăng thêm 9 tỷ USD); Dự án hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng, tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng; một số dự án công nghiệp phụ trợ, dịch vụ với tổng mức đầu tư từ 60-80 triệu USD đang tích cực triển khai.

Bên cạnh đó là một số dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, như: Nhà máy lọc hoá dầu công suất 16 triệu tấn/năm (12,47 tỷ USD); Nhà máy luyện thép công suất 4,5 triệu tấn (5 tỷ USD); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1200MW...

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục tìm hiểu cơ hội và thực hiện đầu tư tại Hà Tĩnh nên nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn ngày một tăng và đây cũng là thị trường tiềm năng và cơ hội đầu tư cho ngành điện.

Thời gian qua, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã quan tâm, đầu tư và giúp đỡ Công ty Điện lực Hà Tĩnh nhiều mặt có hiệu quả thiết thực nhưng thực trạng và quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn về nguồn lưới điện:

- Lưới điện Quốc gia qua trạm biến áp 500kV-1x450MVA Hà Tĩnh, trạm biến áp 220kV-1x250MVA Hà Tĩnh và một phần từ trạm biến áp 220kV- 2x250MAV Hưng Đông (Nghệ An);

- Nguồn thủy điện vừa và nhỏ đấu nối lên lưới 110kV và 35kV: Thủy điện Hương Sơn (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn), có công suất lắp máy là 33MW, vận hành từ năm 01/2011; Thủy điện Hố Hô (xã Hương Liên, huyện Hương Khê), công suất lắp máy 13MW, đã phát điện từ tháng 4/2010 đến tháng 10/2010, nhưng bị hư hỏng nặng do lụt bão, hiện nay đang tiến hành tích nước để kiểm định và chạy thử; Thủy điện Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), công suất lắp máy 3 MW, phát điện vào tháng 5/2012.

- Lưới điện 110kV: Trên địa bàn tỉnh có 244,45 km đường dây 110kV cấp điện cho 5 trạm biến áp 110kV với 8 máy biến áp có tổng dung lượng 196MVA.

- Lưới điện phân phối: Trên địa bàn gồm các cấp điện áp 35kV, 22kV, 10kV và 6kV có tổng chiều dài 2.407,1km; 10 trạm TTG/17 máy có tổng dung lượng 55.250 kVA; 2.039 trạm phân phối khu vực với 2.047 máy có tổng dung lượng 418.508 kVA.

- Lưới điện hạ thế trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 7.074km, trong đó có 136 xã được đầu tư từ dự án RE-II. Nhìn chung, lưới điện hạ áp được phát triển khá nhanh, nhưng chưa đồng bộ, chưa đồng đều; hệ thống lưới điện còn chắp vá; một số địa phương tổn thất còn cao, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là trong giờ cao điểm.

- Về công tác quản lý vận hành, kinh doanh điện năng: Tính đến tháng 4/2012, Công ty Điện lực Hà Tĩnh quản lý bán điện ở 191 xã, phường, thị trấn; 71 xã còn lại do 73 HTX dịch vụ kinh doanh điện nông thôn quản lý, bán điện. Cơ cấu sử dụng điện còn thể hiện năng lực sản xuất hiện tại của tỉnh chưa cao, điện quản lý và tiêu dùng dân cư chiếm trên 68%, công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 23%.

- Về công tác bàn giao, tiếp nhận lưới điện nông thôn: Tính đến ngày 28/02/2013, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã tiếp nhận, quản lý 191/262 xã, phường, thị trấn (trước năm 2008 ngành điện đã tiếp nhận 32 xã, phường, thị trấn). Năm 2008: 13 xã; năm 2009: 64 xã; năm 2010: 17 xã; năm 2011: 13 xã; năm 2012: 49 xã và 05 HTX nông nghiệp (đã tiếp nhận, quản lý 35,115Km đường dây trung thế, 52 TBA phân phối, 3.333 Km ĐZ hạ thế, 197.247 khách hàng.

Tuy nhiên, công tác đầu tư, cải tạo lưới điện ở một số xã đã tiếp nhận còn quá ít so với yêu cầu thực tế, lưới điện không đảm bảo an toàn, chất lượng điện còn thấp, cử tri ở nhiều địa phương còn phàn nàn, thậm chí có nơi còn khiếu kiện; chưa lập hồ sơ giao nhận và định giá tài sản lưới điện các xã đã bàn giao trình Hội đồng huyện thẩm định giá phê duyệt; chưa hoàn trả vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng lưới điện hạ áp nông thôn (Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BCT-BTC ngày 03/02/2010 của Liên Bộ Công Thương – Bộ Tài chính) và ngành điện chưa có phương án bố trí, sử dụng lao động tại các HTX dịch vụ điện trước đây; địa bàn rộng trong lúc nhân lực mỏng nên công tác khắc phục sự cố chưa kịp thời gây bức xúc cho nhân dân.

Mặc dù tỷ lệ phường, xã, hộ dân sử dụng điện cao so với bình quân cả nước nhưng chất lượng lưới điện một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn kém; nhu cầu và khối lượng cải tạo, xây dựng mới ĐZ trung áp, hạ áp còn lớn mặt khác nhu cầu phụ tải các dự án trọng điểm và các dự án lớn trên địa bàn là những vấn đề bức xúc hiện nay; cần phải được ngành Điện quan tâm...

Để đáp ứng nhu cầu phụ tải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn giai đoạn từ nay đến 2015 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đề nghị Tổng công ty Điện lực Miền Bắc ưu tiên đẩy nhanh tiến độ và lộ trình đầu tư xây dựng các Trạm biến áp 110kV trên địa bàn theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến 2020 đã được phê duyệt; trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các trạm biến áp 110kV tại Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên (như đề nghị của UBND tỉnh tại Văn bản số 1577/UBND-TM ngày 17/5/2013).

Song song với việc đầu tư xây dựng mới cần có kế hoạch cải tạo dần hệ thống lưới điện 10kV, 6kV lên vận hành ở cấp điện áp 22kV trên cơ sở khai thác các lộ ra 22kV của các trạm biến áp 110kV để vừa đảm bảo các tiêu chí về kinh tế về kỹ thuật và thuận tiện trong quản lý, vận hành.

Cần ưu tiên đẩy mạnh việc lập phương án và tiến hành đầu tư hoàn thiện lưới điện hạ áp (các tuyến đường dây 0,4kV, nhánh rẽ 0,2 kV) phù hợp quy hoạch, đảm bảo việc cung cấp điện ổn định ở các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận và thực hiện việc hoàn trả vốn cho các tổ chức, cá nhân trong giao nhận lưới điện hạ áp nông thôn (Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BCT-BTC ngày 03/02/2010 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính ).

Tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ thực hiện nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn đối với các xã lưới điện chưa thực sự đảm bảo hoặc đã được hưởng dự án Re2 nhưng chưa bị cắt giảm khối lượng; bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh, hạ tầng lưới điện hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh khi Chương trình NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hệ thống sản xuất, thương mại nông thôn phát triển.

Cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ to lớn và hợp tác của Tổng Công ty thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc Nguyễn Phúc Vinh đánh giá cao những kết quả của tỉnh đạt được trong thời gian qua và khẳng định thời gian tới Hà Tĩnh sẽ là thị trường tiêu thụ điện lớn trong khu vực. Tổng Công ty luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu phát sinh về nguồn điện để phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Những kiến nghị, đề xuất cụ thể trên, Tổng Công ty đã và đang triển khai giải quyết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast