Hà Tĩnh tăng cường hợp tác đối ngoại trên lĩnh vực kinh tế

“Hoạt động ngoại giao và kinh tế đối ngoại đã giúp chúng ta học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ các nước, hình thành tư duy và thực tiễn theo cơ chế thị trường, phù hợp với luật lệ, quy định của quốc tế và khu vực; huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, nâng cao đời sống cho nhân dân”, đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự khi đánh giá hoạt động đối ngoại của Hà Tĩnh thời gian qua.

Các nhà tài trợ kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư tại Hà Tĩnh

Các nhà tài trợ kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư tại Hà Tĩnh

Sau 5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện khá toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế do Trung ương và Chính phủ chỉ đạo; là một trong những tỉnh xây dựng được môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tranh thủ được nhiều nguồn lực, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý báu của các nước góp phần quan trọng trong qúa trình xây dựng, phát triển KTXH tỉnh nhà.

Với những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khoáng sản và mặt biển, môi trường đầu tư thông thoáng là điều kiện cần và đủ để trong những năm qua Hà Tĩnh tăng cường, thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại. Từ năm 2006 – 2010, trên địa bàn tỉnh có 31 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng vốn tài trợ trên 4.600 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm tỉnh vận động được 50-80 tỷ đồng vốn NGO từ các tổ chức phi chính phủ hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, phát triển nông thôn, phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai, giảm nghèo, nâng cao năng lực và cứu trợ khẩn cấp. Nhìn chung, các chương trình, dự án đầu tư của các nhà tài trợ, các tổ chức đều đạt tiến độ đề ra, giải ngân kịp thời, các công trình phát huy tác dụng góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, trong những năm qua, Hà Tĩnh vượt lên tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, đã có 50 dự án với số vốn đăng ký đầu tư trên 14 tỷ USD. Lũy kế thu hút FDI đến cuối năm 2011, Hà Tĩnh được xếp thứ 6 về thu hút đầu tư trong toàn quốc. Riêng KKT Vũng Áng đã có 29 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép hoạt động, trong đó nhiều dự án lớn như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, khách sạn 5 sao và cao ốc văn phòng, khu du lịch hồ Tàu Voi…

Nhà tránh lũ xã Đức Giang do tổ chức ECHO và Action tài trợ
Nhà tránh lũ xã Đức Giang do tổ chức ECHO và Action tài trợ

Tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, hoạt động thương mại, du lịch luôn sôi động với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD. Lượng người xuất nhập cảnh hàng năm trung bình trên 200.000 lượt khách. Lượng khách du lịch từ Lào, Thái Lan vào Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo tăng hàng năm

Cùng với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cuộc làm việc với các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc và đi đến ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện hợp tác và đầu tư. Nhiều doanh nghiệp của Hà Tĩnh đã đầu tư sang Lào, Thái Lan và bước đầu đã làm ăn có hiệu quả.

Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực KT-XH trong thời gian qua đã khẳng định vai trò to lớn trong hợp tác kinh tế đối ngoại. Chính vì vậy, trong đề án tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế đối ngoại giai đoạn 2012 – 2015 và những năm tiếp theo do UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng đã xác định rõ chỉ tiêu cụ thể, như: Đến 2015, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt 300 nghìn tỷ đồng; thu hút bình quân hàng năm đạt 50-70 triệu USD từ các nguồn vốn ODA, NGO; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt từ 12 – 25 tỷ USD; đón 2 vạn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 51 triệu USD/năm; mỗi năm đào tạo từ 28-30 nghìn lao động, trong đó cung cấp cho các dự án đạt trên 60%, xuất khẩu 6.000 lao động/năm; đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp trong tỉnh ra ngoài nước.

Các công trình thủy lợi được xây dựng từ nguồn ODA, NGO đang phát huy hiệu quả

Các công trình thủy lợi được xây dựng từ nguồn ODA, NGO đang phát huy hiệu quả

Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu trên, trong đề án cũng đã đưa ra 8 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng đến các nhóm giải pháp: quy hoạch, đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách hành chính; xúc tiến đầu tư; thực hiện và ban hành cơ chế chính sách….

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: “Đến 2015, Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển và trở thành trung tâm công nghiệp của khu vực Bắc Trung Bộ”. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, bên cạnh việc thúc đẩy ngoại giao trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa thì tăng cường ngoại giao kinh tế sẽ góp phần phục vụ tốt cho các chương trình, kế hoạch và chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh, từng bước cải thiện cuộc sống của người dân.

Ngoại giao kinh tế một khi được triển khai và thực hiện hiệu quả sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo nên đột phá trong thu hút đầu tư và thúc đẩy các dự án lớn, khai thác tối đa tiềm năng hiện có để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast