Hà Tĩnh xiết chặt hoạt động kinh doanh vàng

Nghị định 24 của về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành đang từng bước thiết lập cơ chế quản lý chặt chẽ đối với thị trường vàng trong nước. Ngày 5-11-2012, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 22/CT- UBND “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị định số 24 của Chính phủ”. Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đang chuẩn bị các điều kiện để thực hiện nghiêm túc những quy định mới trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn.

“Toa thuốc” cho thị trường vàng

Thời gian qua do điều kiện kinh doanh vàng khá dễ dàng, lỏng lẻo nên đã không phân định được rõ chức năng của các cơ quan quản lý. Chính điều này khiến thị trường vàng phát triển "xô bồ", tình trạng đầu cơ, kìm giá diễn ra khá phổ biến gây nhiều hệ lụy cho kinh tế xã hội.

Chưa hết, do các cửa hàng vàng đều kiêm thêm kinh doanh ngoại tệ nên đã hình thành hẳn một thị trường ngoại tệ tự do và giới kinh doanh vàng cũng lấy USD căn cứ cho các giao dịch vàng.

Thị trường vàng trong nước luôn tăng giảm thất thường

Thị trường vàng trong nước luôn tăng giảm thất thường

Mỗi khi giá vàng tăng, các đầu nậu lại gom USD nhập lậu vàng về "giải khát" cho giới đầu cơ, làm bất ổn tỷ giá. Nghị định 24 với những quy định mới chặt chẽ trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng được xem là “toa thuốc” cần thiết để chữa trị những căn bệnh kinh niên trên thị trường vàng nước ta, trong đó nổi trội là sẽ ngăn chặn những hành vi đầu cơ và làm giá vàng đã tồn tại thời gian qua.

Điểm thu hút sự chú ý dư luận thời gian qua và là điều ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng là các quy định về vàng miếng.

Nghị định trên chính thức quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối nhà nước; tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng qua các hạn mức phù hợp từng thời kỳ; thực hiện mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 24, quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng...

Nghị định 24, quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng...

Quy định này sẽ đưa giá vàng trong nước quy về một một mối nhằm mục tiêu đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới quy đổi, minh bạch hóa và ổn định thị trường vàng, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị định 24 giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Với các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định 24 đã đi cả một bước dài khi thống nhất được quan điểm, thống nhất được cơ chế quản lý. Thứ nhất là phải độc quyền sản xuất, thứ hai là không chấp nhận vàng là phương tiện thanh toán; tiếp đó là có cơ chế nhận tiền gửi bằng vàng, chấp nhận quyền sở hữu vàng của người dân.

Sẵn sàng triển khai Nghị định 24

Chỉ thị số 22 của UBND tỉnh đã quy định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành chức năng và các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn thực hiện các nội dung cụ thể theo đúng yêu cầu của Nghị định 24. Hiện nay, các sở, ngành liên quan đang tích cực chuẩn bị những điều kiện để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác quản lý thị trường vàng theo đúng quy định.

Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Nghiên cứu - Tổng hợp Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, trước hết đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị định 24. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng chịu trách nhiệm hướng dẫn về điều kiện, thủ tục hồ sơ để trực tiếp thu hồi các giấy phép trước đây và cấp giấy phép mới.

Bên cạnh đó, sẽ trực tiếp phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh vàng; định kỳ báo cáo kết quả quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho UBND tỉnh.

Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh vàng

Cùng với đơn vị đầu mối là Ngân hàng Nhà nước, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã hướng dẫn và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn; Sở Công thương phối hợp thực hiện việc quản lý, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng; Sở KH & CN chủ trì thực hiện kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường; Công an tỉnh phối hợp thực hiện việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng; Cục Thuế cung cấp thông tin hoạt động và việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng…

Theo quy định của Nghị định 24 và Chỉ thị 22, đến trước ngày 10-1-2013, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng miếng phải được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (do Sở KH &ĐT cấp) và Giấy phép kinh doanh vàng miếng (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp). Trước này 25-5-2013, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phải được Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Riêng các tổ chức, cá nhân hoạt động đơn thuần mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ (không gia công, sản xuất) chỉ cần đăng ký lại giấy phép kinh doanh trước ngày 25-5-2013. Chỉ thị 22 của UBND tỉnh cũng yêu cầu đến thời điểm đã được xác định ở trên, các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phải chấm dứt hoạt động.

Nghị định 24/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành từ ngày 25-5-2012. Nghị định có 7 chương 23 điều quy định cụ thể về hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động mua bán vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng; quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng. Các điều kiện hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ; trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ cũng được quy định rõ tại Nghị định này.

Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sau khi Nghị định 24 được ban hành, thị trường vàng trong nước đã được quản lý chặt chẽ; tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động giá vàng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast