Hành trình còn nhiều gian nan!

(Baohatinh.vn) - Với những tiềm năng, lợi thế đang sở hữu, huyện Nghi Xuân đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành Trung tâm KT - XH phía Bắc tỉnh. Tuy nhiên, thực tế đã và đang diễn ra cho thấy, việc hiện thực hóa mục tiêu trên gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng Nghi Xuân trở thành Trung tâm KT-XH Bắc Hà Tĩnh

hanh trinh con nhieu gian nan

Nghi Xuân có nhiều lợi thế để phát triển

Tiềm năng rộng mở

Là địa phương cách không xa thị xã Hồng Lĩnh (15 km), lại cận kề TP Vinh - trung tâm kinh tế lớn của khu vực Bắc Trung bộ nên Nghi Xuân rất có điều kiện đẩy nhanh quá trình phát triển KT-XH. Với tuyến đường bộ dài 35 km, hệ thống đường sông dài 28 km, 32 km bờ biển cùng các cảng sông, cảng biển và Nhà máy đóng tàu Bến Thủy (có khả năng đóng tàu tải trọng 10.000 tấn) là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy, nghề đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện Nghi Xuân…

Mặt khác, huyện Nghi Xuân còn là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” có nhiều trầm tích văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng với gần 200 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây chính là nền tảng vững chắc không chỉ phát triển văn hóa - xã hội mà còn là điều kiện lý tưởng để Nghi Xuân đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Con người trên quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du cần cù, sáng tạo, năng động trong phát triển kinh tế cũng là một trong những yếu tố giúp Nghi Xuân đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Từ những tiềm năng, lợi thế nhìn thấy rõ, nhiều người lạc quan cho rằng, mục tiêu “trở thành trung tâm KT-XH phía Bắc vào năm 2020” chỉ là vấn đề thời gian.

hanh trinh con nhieu gian nan

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du

Không ít “chướng ngại vật”

Tiềm năng, lợi thế là vậy, song huyện Nghi Xuân hiện vẫn gặp rất nhiều “chướng ngại vật” không dễ vượt qua, đặc biệt là sự yếu kém của hệ thống hạ tầng cơ sở. Vốn là “đầu não” của phố huyện, lại được nâng cấp, chỉnh trang hàng năm, nhưng cả 2 thị trấn Nghi Xuân, Xuân An chỉ nhỉnh hơn trung tâm hành chính xã nên rất khó trở thành điểm đến của nhà đầu tư.

Khu CN-TTCN thị trấn Xuân An dù đã được quy hoạch, san lấp mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện quy hoạch chi tiết, chưa xác định được các hạng mục đầu tư nên chưa thể trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút các doanh nghiệp (DN). Hiện khu công nghiệp mới chỉ có 2 DN tham gia đầu tư (Công ty TNHH Châu Tuấn, Công ty Nhựa bao bì Vinh), phần lớn diện tích còn lại bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm.

hanh trinh con nhieu gian nan

Khu CN-TTCN thị trấn Xuân An mới chỉ có 2 DN tham gia đầu tư

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế trong nước kéo dài hoặc thiếu vốn nên các DN và nhà đầu tư không dám mạo hiểm, yếu tố tác động chính là hệ thống hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ. Thiếu nước sạch (toàn huyện chỉ có 6/19 địa phương được sử dụng nước sạch), thiếu khu xử lý rác thải cũng là những tác động ngăn cản nhà đầu tư bởi hiệu quả thấp, rủi ro lớn, tỷ suất đầu tư tăng. Công tác tuyên truyền về chính sách cho thuê đất, chính sách thuế chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, cộng vào đó là những vướng mắc trong việc làm hồ sơ, thủ tục... khiến nhà đầu tư… “không biết đâu mà lần”.

Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Dương - Lê Sỹ Hải cho rằng: “Là người con Nghi Xuân nên rất muốn được đầu tư một số dự án góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng ngoài việc hạ tầng kỹ thuật của huyện quá yếu, vấn đề ngại nhất là rào cản từ các ngành chức năng trong việc triển khai các thủ tục đầu tư”.

Khu du lịch Xuân Thành và Khu Di tích Nguyễn Du là các điểm nhấn thu hút khách thập phương, đặc biệt là Khu du lịch Xuân Thành dù đã được đầu tư xây dựng trong 10 năm qua nhưng nhiều hạng mục vẫn dang dở.

hanh trinh con nhieu gian nan
hanh trinh con nhieu gian nan

Trường đua chó - điểm nhấn trong phát triển du lịch - dịch vụ ở Xuân Thành

Lý do được chủ đầu tư Nguyễn Ngọc Mỹ đưa ra là “vướng” chủ trương phát triển ngành nghề và một số dự án chưa được cấp… “quyền sử dụng đất”. Trong khi đó, Khu Di tích Nguyễn Du đã được lập quy hoạch tổng thể và dự án mở rộng diện tích lên đến 43 ha với rất nhiều phân khu, hạng mục đầu tư nhưng bao giờ khởi động, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Bên cạnh phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục cũng rất khó bứt phá do hệ thống cơ sở vật chất trường học, trạm y tế các xã yếu kém.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng cho rằng: “Toàn huyện có 49 trường học ở cả 3 cấp nhưng có gần nửa (23 trường) chưa đạt chuẩn. Một số trạm y tế xuống cấp trầm trọng cũng chưa có nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp”.

Như vậy có thể khẳng định, huyện Nghi Xuân đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn cản trở tốc độ phát triển kinh tế. Nếu không có những giải pháp hợp lý, kịp thời, tạo những “cú hích” mạnh mẽ thì mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa phía Bắc Hà Tĩnh rất khó trở thành hiện thực, dù hơn 4 năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast