Hành trình của niềm tin

25 năm hình thành và phát triển, chặng đường đã qua dẫu không ít chông gai, thử thách nhưng Ngân hàng No&PTNT đã luôn giữ vững vị trí tiên phong, chủ đạo trong hoạt động tín dụng trên địa bàn, góp phần đắc lực vào những bước phát triển của kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Từ trong gian khó

Ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 53/HĐBT thành lập các ngân hàng chuyên doanh, trong đó có Ngân hàng phát triển nông nghiệp Việt Nam (tiền thân của Ngân hàng No & PTNT Việt Nam sau này). Ngày 1/10/1988, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Nghệ Tĩnh được thành lập. Sau khi tỉnh Nghệ Tĩnh chia thành 2 tỉnh, ngày 24/8/1991, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh chính thức ra đời và đi vào hoạt động.

Vừa mới ra đời, Ngân hàng nông nghiệp Hà Tĩnh lại phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh tỉnh nhà vừa tái lập, nền kinh tế khởi động ở điểm xuất phát thấp. Đội ngũ cán bộ ngân hàng đông nhưng đa số tuổi đời cao, chậm thích nghi với sự chuyển đổi của cơ chế; quy mô hoạt động hết sức nhỏ bé với nguồn vốn chỉ có 37,8 tỷ đồng và dư nợ 43 tỷ đồng. Quyết tâm đổi mới, đồng hành cùng công cuộc tái thiết tỉnh nhà, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, chuyển đổi cơ chế hoạt động kinh doanh, tập trung đẩy mạnh huy động vốn và cho vay, góp phần thúc đẩy nên kinh tế địa phương phát triển.

Vốn Ngân hàng NN đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh

Vốn Ngân hàng NN đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh

Từ 42 bàn huy động vốn buổi ban đầu, các điểm giao dịch và các chi nhánh huyện, thị từng bước hình thành cùng sự lăn lộn của đội ngũ cán bộ đã đưa tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân mỗi năm lên tới 40%. Cơ chế khoán 10 ra đời gắn với bước chuyển mạnh mẽ của Ngân hàng Nông nghiệp từ cho vay kinh tế tập thể, doanh nghiệp sang cho vay trực tiếp hộ sản xuất. Nguồn vốn từ đó đã lan tỏa sâu rộng đến mỗi miền quê, mỗi lĩnh vực sản xuất và từng gia đình.

Vốn ngân hàng để mua con giống, phân bón, máy cày, để đầu tư cho trang trai, gia trại, phát triển nghề truyền thống… từng bước tạo sắc thái mới cho diện mạo nông nghiệp nông thôn. Đến cuối năm 1996, tổng dư nợ tăng lên 233 tỷ đồng (gấp 4,2 lần năm 1991), nợ quá hạn giảm hơn một nửa (18,9% xuống còn 9,62%).

Agribank Hà Tĩnh là đơn vị dẫn đầu về cho vay hỗ trợ lãi suất mua sắm máy móc, phương tiện hiện đại phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp

Agribank Hà Tĩnh là đơn vị dẫn đầu về cho vay hỗ trợ lãi suất mua sắm máy móc, phương tiện hiện đại phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp

Những năm 1997 - 2000 là thời đoạn khó khăn nhất trong lịch sử 25 năm của Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh. Thời điểm đó, cơ chế chính sách hoạt động ngân hàng chưa đồng bộ; mặt trái của cơ chế thị trường làm lung lay về tư tưởng và trách nhiệm của một số cán bộ ngân hàng. Nguồn vốn bị thất thoát, nợ quá hạn lại tăng cao, hiệu quả kinh doanh thấp khiến đời sống cán bộ hết sức khó khăn...

Cuộc lội ngược dòng gian khó được triển khai với quyết tâm cao: nhanh chóng khắc phục tồn tại, mở rộng đầu tư tín dụng, góp phần XĐGN, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Cuộc sàng lọc đội ngũ cán bộ dẫu gặp nhiều thách thức nhưng đã đi tới đích của việc tinh giản và tinh gọn bộ máy.

Năm 2001, cơ chế quản lý mới được đưa vào áp dụng, loại bỏ việc trả lương bao cấp để thay bằng khoán và trả lương theo kết quả lao động. Song song với cuộc cách mạng này, Ngân hàng Nông nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường để mở rộng đầu tư tín dụng. Ngoài việc tranh thủ tốt nguồn vốn tại chỗ, Ngân hàng đã tiếp nhận và giải ngân các chương trình đầu tư vốn của các tổ chức nước ngoài.

Bước qua giai đoạn thử thách, từ năm 2002 - 2007, Ngân hàng No & PTNT Hà Tĩnh triển khai đồng bộ giải pháp trên tất cả các mặt hoạt động: linh hoạt trong huy động vốn, rộng mở trong đầu tư tín dụng và chú trọng đến hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng. Cơ chế quản trị minh bạch, công khai, trao quyền tự chủ cho mỗi bộ phận, mỗi cán bộ là nền tảng để Agribank Hà Tĩnh tiếp tục giành những kết quả hoạt động khá toán diện. Từ một đơn vị yếu kém nhất toàn quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tĩnh đã vươn lên thành một trong những đơn vị nhiều năm liền vững mạnh, xuất sắc trong toàn hệ thống.

Chân cứng đá mềm

Trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động Ngân hàng nói chung liên tục chịu nhiều biến động khi chính sách tiền tệ được sử dụng như một giải pháp quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt trong khi hàng loạt ngân hàng TMCP “dồn dập” ra đời thì nền kinh tế lại rơi vào suy thoái kéo dài, khiến sức ép cạnh tranh trên địa bàn càng gay gắt.

Thách thức mới nặng nề, nhưng truyến thống, kinh nghiệm và bản lĩnh hun đúc qua hai thập kỷ xây dựng và trưởng thành đã giúp Agribank “chân cứng đá mềm” vượt lên tìm được hướng kinh doanh hiệu quả, vừa làm tròn sứ mệnh tiếp vốn cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Hầu hết các mô hình trang trại trên địa bàn tỉnh đều có sự trợ giúp nguồn vốn một cách có hiệu quả từ Ngân hàng Nông nghiệp

Hầu hết các mô hình trang trại trên địa bàn tỉnh đều có sự trợ giúp nguồn vốn một cách có hiệu quả từ Ngân hàng Nông nghiệp

Nhiệm vụ sống còn của Ngân hàng trong thời gian qua là huy động vốn được tập trung thực hiện bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh giao khoán chỉ tiêu kế hoạch gắn với khen thưởng, Agribank Hà Tĩnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp “kích cầu” với những chương trình khuyến mãi, tiết kiệm dự thưởng, quay số may mắn…

Nhờ đó, trong điều kiện lãi suất đầu vào không ổn định, Chi nhánh vẫn tăng trưởng nguồn vốn một cách vững chắc. Đến cuối năm 2012, có trên 277 ngàn khách hàng gửi tiền với tổng nguồn vốn đạt gần 8.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ dân cư chiếm 91,6% tổng nguồn vốn huy động. Ngoài nguồn vốn huy động, Chi nhánh còn khai thác hiệu quả nguồn vốn từ các dự án ủy thác đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 223 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động và quản lý đến cuối năm 2012 đạt gần 8.600 tỷ đồng, tăng gấp 226 lần so với năm 1991.

Một mạng lưới Agribank rộng lớn vươn tới tận các xã, phường, thôn xóm, đội ngũ cán bộ đông với trình độ ngày càng được nâng cao được phát huy thế mạnh nhờ chiến lược điều hành phù hợp và những giải pháp hoạt động năng động, sáng tạo.

Bám sát định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là các chính sách phát triển nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Agribank Hà Tĩnh đã nắm bắt được những cơ hội lớn để tiếp tục đầu tư hiệu quả cho thị trường truyền thống là nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2009, thực hiện các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, Agribank Hà Tĩnh đã cho vay 2.700 khách hàng với số tiền cho vay 1.400 tỷ đồng. Năm 2012, QĐ 26 về hỗ trợ lãi suất cho các mô hình sản xuất trong xây dựng NTM của UBND tỉnh được Ngân hàng nông nghiệp nắm bắt cơ hội, tích cực triển khai với hơn 3.000 lượt khách hàng vay, dư nợ đạt 243 tỷ đồng.

Ngoài đẩy mạnh nhiệm vụ kinh doanh, Agribank Hà Tĩnh còn là một trong những đơn vị đi đầu và thực hiện hiệu quả công tác nhân đạo, từ thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững

Ngoài đẩy mạnh nhiệm vụ kinh doanh, Agribank Hà Tĩnh còn là một trong những đơn vị đi đầu và thực hiện hiệu quả công tác nhân đạo, từ thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững

Tính đến cuối năm 2012, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt gần 6.000 tỷ đồng, chiếm 90% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, Agribank đang mở rộng đầu tư đối với các lĩnh vực CN, TTCN, TMDV, đồng hành cùng các chương trình, dự án lớn, làm đầu kéo cho nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thế đứng vững chắc trong hoạt động kinh doanh, Agribank Hà Tĩnh đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa công nghệ. Dự án hiện đại hóa thanh toán và kế toán khách hàng được thực hiện thành công tạo nền tảng để phát triển và hoàn thiện các phần mềm ứng dụng, từ đó đã đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng và nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của ngân hàng.

Nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại được ứng dụng, triển khai rộng rãi, thu hút sự tham gia của đông đảo khách hàng, khẳng định xu thế phát triển của một ngân hàng hiện đại, đa năng, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast