Hãy đặt tên cho nông sản sạch!

Giữa lúc hàng không rõ nguồn gốc đang “tung hoành” trên thị trường một cách khó kiểm soát thì nhu cầu sử dụng nông sản sạch trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Người ta không ngần ngại bỏ tiền để có được thực phẩm chất lượng. Vấn đề, giữa “hằng hà sa số”, biết đâu là “đồ thật”, trong khi người nông dân chẳng thể tự thanh minh cho “đứa con” của mình...

Phát triển đúng xu hướng…

Bây giờ xu hướng vào siêu thị hay quầy hàng nông sản sạch để lựa chọn thực phẩm cho gia đình là khá phổ biến. Người ta tìm đến những địa chỉ này vì niềm tin về nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, chất lượng tốt, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Đây cũng là bước phát triển tất yếu của xã hội, khi chất lượng cuộc sống được nâng lên thì thói quen tiêu dùng cũng thay đổi theo. Người tiêu dùng trở nên thông thái, thị trường không còn chỗ đứng cho hàng hóa kém chất lượng, không rõ ràng về xuất xứ.

Mô hình trồng rau an toàn xã Tượng Sơn (Thạch Hà) tuân thủ quy trình kỹ thuật về ATVSTP. Ảnh: Nguyễn Oanh
Mô hình trồng rau an toàn xã Tượng Sơn (Thạch Hà) tuân thủ quy trình kỹ thuật về ATVSTP. Ảnh: Nguyễn Oanh

Không chỉ các nhà kinh doanh, người sản xuất nếu đứng ngoài quy luật này cũng bị đào thải bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Đó chính là lý do, chỉ trong vài năm, toàn tỉnh đã xây dựng được 17 cơ sở sản xuất rau, chè an toàn, hàng trăm mô hình liên kết khép kín từ con giống, sản xuất, chuyển giao KH-KT đến tiêu thụ trong chăn nuôi lợn, sản xuất lúa hàng hóa theo cánh đồng mẫu, các chương trình quản lý chất độc hại trong tôm nuôi và loài nhuyễn thể.

Ông Phan Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông – lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: “Theo chính sách hỗ trợ Quyết định 24, các mô hình được hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng hàng rào, kinh phí phân tích mẫu đất, mẫu nước vùng quy hoạch; hỗ trợ tập huấn (mỗi mô hình không quá 150 triệu đồng). Sau khi được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn, chủ sản xuất phải cam kết sản xuất theo đúng quy trình được tập huấn; có cán bộ kỹ thuật theo dõi, chỉ đạo; tuân thủ ghi chép nhật ký sản xuất. Vào đầu kỳ thu hoạch, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ và lấy mẫu phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Vụ thu hoạch vừa qua, 27 mẫu rau, dưa, chè mà chúng tôi phân tích đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

Cùng với sự ra đời của HTX, định hướng sản xuất cơ bản được thống nhất, từ đó nâng cao nhận thức của người sản xuất. Cũng phải nói thêm, chính sự tiếp sức đúng lúc của tỉnh đã giúp các địa phương bắt nhịp được hình thức sản xuất mới, từ đó quy hoạch thành vùng với quy mô ngày càng mở rộng để phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay. Được biết, có khoảng 50% số mô hình đã tiếp cận được nguồn vốn của chính sách, số còn lại đang hoàn tất các thủ tục và sẽ được thanh toán trong thời gian tới.

Sản xuất - tiêu thụ… bấp bênh!

Siêu thị Co.opMart Hà Tĩnh được xem là kênh tiêu thụ lớn với các loại nông sản có giá trị cao. Mỗi ngày, hệ thống siêu thị này cung ứng ra thị trường khoảng vài chục tấn thực phẩm tươi sống, trong đó chủ yếu là rau, quả và các loại thịt lợn, bò, gà và cá. Đặt hệ quy chiếu đối tượng khách hàng, đối tượng tiêu thụ sản phẩm này là khách sạn, nhà hàng và người tiêu dùng chất lượng cao. Nếu nông sản địa phương “len chân” được vào tuyến tiêu thụ này, người sản xuất sẽ có cơ hội nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm của mình, còn nhà kinh doanh cũng có thêm nhiều mặt hàng phong phú. Ông Văn Quốc Hoàng - Giám đốc Siêu thị

Co.opMart Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi rất muốn du nhập thêm nông sản tại chỗ, vừa giảm chi phí vận chuyển, giảm thất thoát do vận chuyển xa, vừa phong phú mặt hàng trong gian hàng tươi sống. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất nếu không có đầy đủ các thủ tục về nông sản sạch, an toàn thì lại không đảm bảo yêu cầu về ổn định số lượng, loại sản phẩm”. Được biết, phần lớn nguồn nguyên liệu của siêu thị này được lai nhập từ Đà Lạt. Hiện nay, siêu thị đã nhập một số loại rau, cây gia vị và trứng gà của một số HTX, song số lượng này chiếm tỷ lệ ít ỏi so với hàng vào chợ và càng quá ít so với tiềm năng của địa phương.

Cán bộ Phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Sở NN&PTNT lấy mẫu kiểm tra chất lượng ATVSTP vào đầu vụ thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Oanh
Cán bộ Phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Sở NN&PTNT lấy mẫu kiểm tra chất lượng ATVSTP vào đầu vụ thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Oanh

Nguyên nhân chính là do sản phẩm nông sản của tỉnh ta chưa đa dạng về chủng loại, sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chỉ theo thời vụ nên khả năng đáp ứng thị trường hạn chế. Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản sạch vẫn chưa thực sự nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan hữu quan. Đó là lý do khiến nông dân từ vùng sản xuất này tự biến thành tư thương “nửa mùa”, “bươn” ra chợ từ 2-3h sáng bán mớ, bán mẹt nông sản sạch mà thực ra cũng chẳng có dấu hiệu gì khác loại hàng khác.

Ngay cả như chương trình quản lý các chất độc hại trong tôm nuôi (tại vùng tập trung thâm canh của 6 huyện) được thực hiện bài bản, giám sát định kỳ khắt khe về điều kiện an toàn thực phẩm cũng chưa có đầu ra một cách ổn định. Tất cả phụ thuộc vào tư thương, đến mùa thu hoạch, họ sẽ chủ động ký hợp đồng mua bán, chuyên chở và tiêu thụ. Người sản xuất được hưởng lợi bao nhiêu phần trăm so với giá trị thực của sản phẩm là một điều khó đoán.

Bức tranh tiêu thụ “được mùa, mất giá”, “mất mùa, được giá” vẫn là điệp khúc buồn cho mặt hàng nông sản nói chung, nông sản sạch nói riêng. Tất nhiên, không thể loại trừ trường hợp người nông dân tự “xé rào” để hưởng chút lợi nhuận ở chợ khi giá lên. Chị Nguyễn Thị Ngùy, vùng sản xuất rau an toàn Thạch Lâm (Thạch Hà) cho biết: “Bình thường thì nhập hàng cho siêu thị nhưng khi giá lên, chúng tôi đưa một ít hàng ra chợ trời, phần nhập sỉ, phần bán lẻ. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày chúng tôi thu nhập từ 200-400 nghìn đồng từ bán các loại rau gia vị”.

Hãy đặt tên cho nông sản sạch

Theo nhà chuyên môn, muốn sản phẩm đủ mạnh để tự đứng được trên thị trường thì phải “vào” VietGap; kích thích xây dựng thương hiệu cũng như đầu tư công tác marketing cho nông sản sạch. Yếu tố này hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của người sản xuất, song quá trình này cần phải mất ít nhất là 1-2 năm trong khi chi phí phải bỏ ra lại không hề nhỏ đối với khả năng của người nông dân.

Lâu nay, sản phẩm an toàn mới chỉ được đánh giá qua tiêu chí điều kiện sản xuất mà thôi. Thế nên, một số nông sản dẫu đã “sạch” nhưng chưa một lần được “danh chính ngôn thuận”. Ngoại trừ một phần được bảo lãnh chất lượng bởi nơi tiêu thụ là siêu thị, cửa hàng nông sản sạch (Hội Nông dân), còn lại là đều lẫn lộn giữa “hằng hà sa số”. Hàng trăm sản phẩm, không có sản phẩm nào có tên gọi, nơi sản xuất và các chỉ dẫn khác, thậm chí còn bị nhầm lẫn với hàng kém chất lượng.

Quy mô cửa hàng nông sản sạch của Hội Nông dân tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: N.O
Quy mô cửa hàng nông sản sạch của Hội Nông dân tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: N.O

Sự tiếp sức của tỉnh bằng nguồn lực chính sách mới chỉ là bước nền “khai phá”. Việc tìm kiếm thương hiệu cho nông sản sạch cần phải có những “cú hích” phát triển mà nếu chỉ “đơn thương độc mã” người sản xuất thì không thể làm được. Điều này, căn bản vẫn ở chính quyền cấp huyện, đóng vai trò “bà đỡ” cho chính các mô hình đã quy hoạch nhằm liên kết nông dân - doanh nghiệp, đồng thời tranh thủ mọi sự giúp đỡ, vận động để tuyên truyền, quảng cáo thương hiệu.

Về phía tỉnh, trước khi thực hiện chiến lược lâu dài là xác lập tên gọi cho từng sản phẩm, thiết nghĩ cũng cần quy hoạch cửa hàng nông sản sạch tại các chợ đầu mối, nhằm thu hút đối tượng khách hàng nằm trong diện đại đa số (chỉ số ít vào siêu thị lựa chọn thực phẩm cho gia đình). Bên cạnh đó, hỗ trợ để ngành chuyên môn liên quan thực hiện thí điểm mô hình sản xuất VietGap hay tiến hành xác nhận thương hiệu cho một số nông sản sạch địa phương...

Ông Nguyễn Thiên Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên): Giá dưa hấu sản xuất an toàn bán tại ruộng cao hơn chợ

Qua 2 năm thực hiện, mô hình sản xuất rau an toàn đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Đặc biệt là dưa hấu, mỗi năm 2 vụ sản xuất (vụ xuân và vụ hè), phù hợp với địa phương và cho năng suất khá. Tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng dễ bị nhầm lẫn với loại hàng kém chất lượng. Vụ dưa vừa qua, nếu đem ra chợ bán, người dân chỉ bán được 6.000 đồng/kg trong khi bán tại chân ruộng là 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Hiện nay, HTX đã liên hệ một vài đầu mối thu mua nhưng vẫn là tư thương, do đó phải phụ thuộc vào thị trường là chủ yếu.

Ông Trương Quang Lý - Phó Chủ nhiệm HTX Khởi Nghiệp, xã Thạch Đài (Thạch Hà): Sản phẩm của HTX đã có nhãn mác

Con đường tìm kiếm thương hiệu của sản phẩm của HTX ban đầu rất gian nan, từ việc hình thành HTX, tranh thủ sự ủng hộ của ngành, địa phương để hoàn tất thủ tục pháp lý về sản xuất an toàn đến định hướng thay đổi tư duy sản xuất sạch, an toàn cho xã viên. Nhờ sự quan tâm của huyện và sự nỗ lực của HTX, đến nay, chúng tôi đã có mô hình sản xuất khép kín sạch, an toàn, được ngành chức năng công nhận thương hiệu về nguồn gốc, địa chỉ sản xuất, dấu ATVSTP và mã vạch thuế.

Để kết nối được với Siêu thị Co.opMart, chúng tôi đã mời đối tác về tận nơi sản xuất để tham quan, khi được chấp thuận hợp tác, chúng tôi nghiêm túc chấp hành theo hợp đồng ký kết. Bên cạnh đó, luôn đề cao trách nhiệm giữ chữ tín, cung cấp nguồn hàng chất lượng, an toàn. Hiện nay, theo nhu cầu, trung bình mỗi ngày siêu thị cần 500 quả trừng gà, 700-1.000 quả trứng vịt; 50 con gà thịt/đợt hàng mang nhãn hiệu HTX Khởi Nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi còn có một số đơn hàng ổn định tại TP Vinh (Nghệ An) và nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast