Hoạt động xuất khẩu: Nhỏ lẻ, rủi ro cao!

Kết quả hoạt động xuất khẩu những năm gần đây đạt con số khá ấn tượng. Tuy vậy, nhìn một cách tổng quan, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh vẫn mang tính nhỏ lẻ, thiếu bền vững!

Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh - DN dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu hiện đang tồn kho một lượng hàng hóa lớn khi Chính phủ cấm xuất thô sản phẩm. DN tư nhân Châu Tuấn – đơn vị chủ lực về xuất khẩu lạc trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây đã chuyển sang lĩnh vực xây dựng, nên đã mất đi lượng kim ngạch không nhỏ. Dăm gỗ, tuy đưa lại một lượng kim ngạch lớn, nhưng hiện nay đã chuyển sang hướng chế biến sâu nên không khuyến khích xuất thô…

Tàu vào ăn hàng tại Cảng Vũng Áng. Ảnh: Hoài Nam
Tàu vào ăn hàng tại Cảng Vũng Áng. Ảnh: Hoài Nam

Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: thủy sản, chè… đang gặp khó về nguyên liệu. Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Nam Hà Tĩnh lâu nay vẫn giữ được thị trường Nhật Bản nhờ các sản phẩm chế biến từ mực. Tuy nhiên, nguyên liệu để chế biến ở Hà Tĩnh rất hạn chế nên Công ty thường phải thu mua ở các tỉnh phía Nam, thậm chí là mua của nước ngoài, nên chi phí cao và bấp bênh. Bởi vậy, việc mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm với DN là bài toán khó.

Công ty CP Chè Hà Tĩnh vẫn giữ được thị trường ổn định với 3 khách hàng truyền thống là Apganistan, Pakista và Ả Rập, với đầu ra rất lớn. Tuy nhiên, để nâng cao số lượng xuất khẩu là một thách thức bởi vùng nguyên liệu gần như không mở rộng được. Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Công ty cho biết, với 560 ha chè, năm 2012, DN chế biến được 930 tấn chè búp khô, giá trị xuất khẩu đạt 2,5 triệu USD. Điều đáng quan tâm là trong năm qua, Công ty chỉ trồng mới được 20 ha, mặc dù diện tích đất có thể trồng chè của Công ty (đã giao khoán cho dân) còn khoảng 200 ha. Hiện nay, để đầu tư 1 ha chè, người dân phải bỏ ra khoảng 110 triệu đồng, 4 năm sau mới cho thu hoạch. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh chỉ là 12 triệu đồng/ha và của Công ty là 17 triệu đồng/ha. Như vậy, để có 1 ha chè, người dân còn phải tự bỏ ra trên 80 triệu đồng, đó là chưa kể đầu tư chăm sóc hàng năm. Vì vậy, phát triển vùng nguyên liệu là rất khó.

Đóng gói sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Chè Hà Tĩnh. Ảnh: Chính Thu
Đóng gói sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Chè Hà Tĩnh. Ảnh: Chính Thu

Các mặt hàng khác như tôm, nông sản, thậm chí là cả đặc sản nhung hươu của Hà Tĩnh khá lớn nhưng không có DN nào trong tỉnh đứng ra tổ chức thu mua, chế biến xuất khẩu. Những dự án mới được đầu tư trên địa bàn cũng chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Theo đánh giá của các thành viên BCĐ thực hiện đề án phát triển xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu của các DN Hà Tĩnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Quy mô sản xuất của các DN hạn chế, chủ yếu là các mặt hàng truyền thống, chưa có các sản phẩm mới có giá trị lớn; công tác mở rộng thị trường non yếu. Bên cạnh đó, các DN tỉnh ta xuất khẩu chủ yếu thông qua hình thức ủy thác nên thiếu chủ động, rủi ro cao, lợi nhuận thấp...

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương, năng lực cạnh tranh của các DN Hà Tĩnh tham gia xuất khẩu thấp, bởi phần lớn đơn vị không có chuyên gia về lĩnh vực này, thiếu chuyên nghiệp, nghiệp vụ nắm bắt thông tin thị trường, luật pháp, thông lệ quốc tế cũng rất hạn chế. Về cơ sở hạ tầng, do không có cảng container nên các DN xuất khẩu phải gom hàng đủ container rồi chở ra xuất tại cảng Hải Phòng, dẫn đến gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn… Bên cạnh đó, DN không đủ tiềm lực lực đầu tư cải tiến dây chuyền công nghệ để đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm…

Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2013-2015 đang mở ra hướng đi để phát triển xuất khẩu một cách bền vững. Trong đó, các giải pháp chủ yếu là: tập huấn nâng cao năng lực quản trị, điều hành cho DN; hỗ trợ, tổ chức tìm kiếm thị trường; chú trọng sản xuất hàng hóa để tăng vùng nguyên liệu; xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm có vùng nguyên liệu dồi dào…; tạo điều kiện để các DN xuất khẩu đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast