Huyện nghèo Vũ Quang xây dựng NTM

Là huyện miền núi mới được thành lập với điểm xuất phát cực thấp, đến nay, trên địa bàn đã có 213 mô hình gia trại cho thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/mô hình/năm và 12 trang trại cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Đó là những con số biết nói, được cụ thể hóa từ thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân của huyện Vũ Quang sau 2 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và lãnh đạo huyện Vũ Quang kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại xã Đức Bồng

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và lãnh đạo huyện Vũ Quang kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại xã Đức Bồng

Ông Phạm Hữu Bình - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Là một huyện nghèo, muốn thoát nghèo thì không còn con đường nào khác đó là phát triển sản xuất. Do vậy, chương trình MTQG xây dựng NTM được huyện xác định là cơ hội lớn để kết hợp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Trong hơn 2 năm qua, lãnh đạo huyện đã tập trung soát xét kỹ 2 việc: lập quy hoạch và triển khai đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh, huyện đã có một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất để làm đòn bẩy cho nhân dân phát triển bền vững”.

Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện về xây dựng NTM, trong 2 năm qua, người dân huyện miền núi Vũ Quang đã tập trung khai thác tiềm năng nguồn đất rừng rộng lớn và dồi dào để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn rừng. Điều đáng mừng là, nhờ sự chỉ đạo đúng hướng và có chính sách hỗ trợ kịp thời, kinh tế trang trại và vườn rừng ở Vũ Quang đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, mở ra hướng làm ăn mới và hình thành một đội ngũ nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm. Nhiều chủ trang trại đã biết liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm liên kết với Tập đoàn CP Việt Nam của gia đình anh Mai Xuân Hạnh, xã Sơn Thọ, qui mô 600 con/lứa, lợi nhuận 400 triệu đồng/năm

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm liên kết với Tập đoàn CP Việt Nam của gia đình anh Mai Xuân Hạnh, xã Sơn Thọ, qui mô 600 con/lứa, lợi nhuận 400 triệu đồng/năm

Rất nhiều người đã biết đến anh Phạm Văn Đức ở xóm 5, xã Hương Minh là một trong những người đi đầu trong bám sát chủ trương và tranh thủ chính sách của tỉnh, của huyện đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tập trung theo hướng liên kết. Năm 2011, anh Đức đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và nhận nuôi gia công 500 con lợn siêu nạc cho Công ty CP chăn nuôi Mitraco. Chỉ sau hơn 3 tháng thả nuôi, gia đình anh đã thu lãi ròng hơn 40 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay, anh Đức đã xuất chuồng 4 lứa lợn (khoảng 200 tấn). Trừ các khoản chi phí, còn có lợi nhuận trên 300 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Từ thành công đó, hiện nay anh Đức đang tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng thêm cơ sở chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 1.000 con.

Cùng với thành công của mô hình chăn nuôi của anh Đức, người dân Vũ Quang cũng không khỏi thán phục trước ý chí, quyết tâm và sự táo bạo của nông dân Nguyễn Văn Xoan ở xóm 1, xã Ân Phú khi dám huy động các nguồn lực trên 10 tỷ đồng để đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp với diện tích trên 60 ha.

Cũng bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, anh Nguyễn Văn Xoan đã đầu tư 8,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm qui mô 1.000 con và 400 lợn nái cấp ông bà. Cùng với sản phẩm chủ lực là lợn, trang trại còn nuôi 1.000 con gà, 30 con bò, 30 con hươu, 4 ha ao cá, 5 ha cây ăn quả, trồng 7 ha cao su. Năm 2012, lợi nhuận bước đầu từ trang trại đã đạt trên 300 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Sau nhiều năm cần mẫn khai hoang mở đất, đến nay trang trại vườn đồi của gia đình anh Lê Khánh Toàn ở xóm Bồng Thượng, xã Đức Bồng đã có qui mô diện tích 7ha. Với tiềm năng đất đai màu mỡ, độ dốc lý tưởng, anh Toàn đã tập trung quy hoạch trồng trên 1.000 gốc cam, trong đó có hơn một nửa đã cho thu hoạch. Cùng với trồng cam, anh Toàn còn chăn nuôi lợn rừng, đào ao thả cá và trồng cây lâm nghiệp. Vụ cam năm nay, anh Toàn dự tính sẽ thu hoạch được 15 tấn, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Không chỉ phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế mới trong xây dựng NTM, huyện Vũ Quang tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân của Vũ Quang đạt 60,5 tạ/ha, đứng trong tốp đầu của tỉnh. Kết quả đó phản ánh chủ trương chính sách đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Trang trại vườn đồi của gia đình anh Lê Khánh Toàn ở xóm Bồng Thượng, xã Đức Bồng, diện tích 7ha, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.

Trang trại vườn đồi của gia đình anh Lê Khánh Toàn ở xóm Bồng Thượng, xã Đức Bồng, diện tích 7ha, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.

Năm 2012, huyện đã quy hoạch 3 cánh đồng mẫu cơ cấu 1 loại giống với diện tích 95 ha tại các xã Hương Minh, Đức Liên và chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới. Cùng với triển khai cánh đồng mẫu lớn, huyện đã quy hoạch 21 vùng phát triển kinh tế tập trung tại 8 xã với diện tích 225 ha và quy hoạch phát triển trên 6.000 ha cây cao su.

Mặc dù là huyện nghèo nhưng Vũ Quang đã khá “mạnh tay” khi trích ngân sách hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Đây chính là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo từ chương trình này, góp phần đưa hộ nghèo từ 45,85% năm 2011 giảm còn 22,36% năm 2012; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,8 triệu đồng/người năm 2011 lên 15 triệu đồng năm 2012.

Xin được kết thúc bài biết bằng đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự trong chuyến kiểm tra các mô hình sản xuất trong xây dựng NTM tại huyện Vũ Quang vừa qua: “Là huyện nghèo, điểm xuất phát thấp nhưng thời gian qua Vũ Quang đã có những đột phá trong xây dựng NTM; thực hiện đồng bộ các giải pháp, thường xuyên bám sát, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ sở. Đặc biệt, cán bộ cấp xã, thôn và người dân của Vũ Quang đã tích cực, tâm huyết, tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế; người dân đã biết hình thành tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Các mô hình hiệu quả không chỉ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách mà còn khơi dậy tiềm năng lợi thế của từng vùng, miền. Ngoài giá trị kinh tế còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Đây chính là những nhân tố điển hình để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast