Khả năng giảm thu ngân sách là rất lớn

Từ nay đến cuối năm, ngành tài chính phấn đấu thu ngân sách nhà nước theo dự toán Quốc hội thông qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2013 tại cuộc họp báo ngày 19/7 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đức Chi, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, 6 tháng đầu năm thu NSNN ước đạt 356.520 tỷ đồng, tương đương 43,7% dự toán, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thu nội địa chỉ đạt 43,3% dự toán, thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây. Thu dầu thô đạt 56% dự toán nhưng cũng giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong khi đó, việc chi NSNN 6 tháng ước đạt 448.910 tỷ đồng, bằng 45,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quản lý hành chính ước đạt 48,4% so dự toán, tăng 11,6% so cùng kỳ 2012. Chi trả nợ viện trợ ước đạt 52.480 tỷ đồng, tương đương 49,7% dự toán, tăng 2,8% so cùng kỳ 2012.

Báo cáo cũng cho thấy, với mức cân đối ngân sách, bội chi NSNN đã lên tới 92.390 tỷ đồng, ước đạt 57% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

Bộ Tài chính cũng đưa ra dự kiến mức giảm thu NSNN do thực hiện chính sách miễn giảm gia hạn thuế năm 2013 khoảng 17.613 tỉ đồng, năm 2014 là 17.580 tỉ đồng.

Đánh giá về tình hình thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, ngành tài chính luôn cố gắng có được dự toán thu, chi xác thực tiễn nhất. Trong quá trình thực hiện dự toán, ngành tài chính vẫn tiếp tục chỉ đạo hết sức quyết liệt. Hơn nữa, việc thực hiện dự toán thu, chi NSNN không chỉ của riêng ngành tài chính mà còn của cả hệ thống chính chị và diễn ra ở mọi nơi.

“Những năm trước đã có ý kiến cho rằng, việc dự toán thu ngân sách luôn đạt thấp. Riêng năm nay lại có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính không lường trước được khó khăn đã xây dựng dự toán quá cao. Trong quá trình xây dựng dự toán, ngành tài chính phải bám sát thực tiễn sản xuất kinh doanh với tinh thần tích cực nhất. Hơn nữa, dự toán thu chi thường được xây dựng từ tháng 7 năm trước do đó dẫn đến việc không có sự chính xác tuyệt đối. Có những việc chúng ta dự kiến được nhưng thực tiễn diễn ra lại khác nên việc sai lệch giữa dự toán và thực tế là điều hoàn toàn bình thường”, bà Minh nói.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, trong thực tiễn hiện nay, doanh nghiệp, người dân cần hiểu đúng và hiểu rõ vấn đề, đừng quá lo lắng để đưa ra những giải pháp kịp thời và hợp lý để đạt được mục tiêu kinh tế, tài chín mong muốn./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast