Khát vọng khơi xa

(Baohatinh.vn) - Chiều muộn, bên ghềnh đá cuộn tung sóng biển, tôi được nghe ông Phạm Văn Hận chậm rãi kể về cuộc mưu sinh đầy sóng gió, cũng như tình yêu và khát vọng của mình về biển đảo. Khó có thể tin, người thuyền trưởng với đôi chân không còn lành lặn này là thủ lĩnh của chiếc tàu đánh cá duy nhất của Hà Tĩnh có mặt trên vùng biển Hoàng Sa.

Khát vọng khơi xa ảnh 1

Sinh ra và lớn lên trên bờ biển quê hương bốn mùa sóng nước, cậu bé Phạm Văn Hận đã sớm bộc lộ năng khiếu bơi lội thiên bẩm và sức khỏe vượt trội so với bạn bè đồng lứa. 16 tuổi, cậu đã theo cha, một thợ lặn giỏi nhất trong vùng lênh đênh khắp nơi hành nghề lặn biển. Chưa đầy 20 tuổi, Phạm Văn Hận đã được mệnh danh là “kình ngư” bởi sức khỏe và tài “thao lược” của mình.

Nhưng “sinh nghề, tử nghiệp”, một lần (khoảng cuối năm 1999), do mải mê với luồng tôm hùm, một mình nán lại quá lâu ở độ sâu hàng trăm mét nước, ông đã phải trả giá đắt. Áp lực của nước đã hạ gục ông. Nhưng, dường như món nợ với biển cả chưa cho phép ông từ bỏ cuộc sống và rời xa nghiệp biển. Biết bao lần, ông tự hứa với lòng mình, phải nỗ lực kiếm thật nhiều tiền để sắm tàu lớn vươn khơi, đến với Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc. Đôi mắt người thuyền trưởng dạn dày bỗng nhòe đi trong niềm phấn chấn và xúc động.

Ông tâm sự: “Từ những năm trai trẻ theo nghề lặn biển cùng ngư dân Quảng Ngãi, tôi đã ấp ủ ước mơ một ngày được đi đánh bắt ở những vùng biển lớn, nhiều tôm cá. Ngay trong những ngày dài sức khỏe suy kiệt, đôi chân bại liệt, biển xa vẫn gọi tôi trong những giấc mơ chập chờn”.

Phải gần 3 năm trời đằng đẵng, ông mới mon men tập đi cùng với chiếc nạng gỗ khô khan. Và những bước đi đầu tiên sau nhiều năm đấu tranh với số phận, ông đã dành cho biển. Trên bãi cát nắng tràn, trong mắt ông, biển trời như xanh hơn; những con sóng bạc kéo ông trở về những ngày lênh đênh cùng sóng nước. Những giọt nước mắt hạnh phúc bỗng mặn chát trên môi. Bãi cát quê nhà từng in dấu chân người con của biển, không nề hiểm nguy, đạp bằng mọi cơn sóng dữ, nay chứng kiến những bước chập chững như đứa trẻ tập đi. Những cơn co cơ đau điếng đã nhiều lần làm ông nhụt chí, song mỗi lần lên cơn đau, ông lại hướng về phía biển.

Khát vọng khơi xa ảnh 2

Cha con ông Phạm Văn Hận trên chiếc tàu của gia đình mang số hiệu HT 90163TS.

Dường như biển cả hiểu thấu tình người. Hòn Én xa xanh giữa bạt ngàn sóng bạc như an ủi nhịp bước của ông. Tiếng sóng biển khi ầm ào, giục giã, khi vỗ về, vuốt ve bước chân ông. Hoàng Sa, Trường Sa…! Những tiếng gọi thiêng liêng níu chặt trong từng nhịp đập của trái tim yêu biển nhưng chưa một lần được đến, đã cho ông một nghị lực phi thường để chiến đấu với đớn đau và tuyệt vọng.

Trong cơn bĩ cực, giấc mơ được ra khơi lại nhen nhóm và thúc giục ông. Bán đi tất cả những gì có thể; cầm cố sổ đỏ vay vốn ngân hàng; huy động sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, cuối cùng, vợ chồng ông Hận cũng sắm được chiếc thuyền câu cũ 6 mã lực để đánh bắt gần bờ.

Nghe tin ông Hận sắm thuyền đánh bắt, nhiều người ái ngại khuyên can. Nhưng chí đã quyết, ông cùng các con chọn ngày đẹp trời dong thuyền ra biển, thỏa ước vọng chan chứa bấy lâu. Với vai trò là thuyền trưởng, không chỉ chuyên tâm tìm kiếm luồng cá; hướng dẫn, chỉ bảo các con kinh nghiệm và kỹ thuật đánh bắt, ông Hận còn là người thầy cần mẫn truyền thụ cho các cháu nhiều kiến thức thú vị về biển đảo.

Không phụ lòng người cha tôn kính, 4 người con trai của ông cùng chung chí hướng, chinh phục biển cả. Không chỉ vững vàng chèo lái giữa muôn ngàn trùng khơi sóng gió, các con của ông đều mang trong mình tình yêu biển và trách nhiệm của người công dân, không nề hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Phạm Văn Dũng - người con thứ 2 của ông Hận chia sẻ: “Có ra khơi xa mới biết hết những khó khăn, bức bối khi vùng biển của mình bị kẻ khác xâm phạm. Nhưng càng khó khăn thì càng phải bám biển để giữ biển đảo của mình”.

Bước ngoặt lớn nhất trong đời người thuyền trưởng đó là vào giữa năm 2013, ông Phạm Văn Hận chính thức sở hữu chiếc tàu cá xa bờ, công suất máy 250 CV, với tổng kinh phí đầu tư trên 1,2 tỷ đồng. Đến nay, tàu của ông đã có hàng chục lần đi về giữa đất liền và khơi xa. Ông cũng đã từng đặt chân tới nhiều ngư trường thuộc Hoàng Sa, Trường Sa. Các địa danh như: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Côn Sơn, Hà Tiên… đã trở thành những tên gọi thân thương.

Khai thác trên những ngư trường với nhiều ẩn họa rình rập, người bình thường đã khó, với người tàn tật lại càng khó khăn hơn nhiều. Không ít lần, tàu của ông gặp bão lớn, rồi bị tàu lạ nước ngoài tấn công, truy đuổi. Nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng, một tư duy sắc bén, ông cùng các thành viên đã vượt qua tất cả.

Năm này qua tháng khác, cha con ông Hận hết về lại đi; hầu hết quỹ thời gian ông và con đều dành cho biển. May mắn là ông có người vợ hết mực thương chiều chồng con. Thường xuyên mang trong tâm tư không ít những lo lắng, bất an, nhưng trước mặt ông và các con, bà Võ Thị Bảy luôn động viên chồng con yên tâm, giữ gìn sức khỏe và ý chí để vững vàng cùng sóng gió: “Ông ấy đã gắn bó với biển thì con ông cũng gắn bó với biển. Làm vợ, làm mẹ của những ngư dân yêu biển như máu thịt, tôi cũng phải can đảm để gánh vác việc nhà”.

Một điều làm ông Hận hết sức băn khoăn, đó là từ khi có mặt trên các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, ông không hề gặp một chiếc tàu cá nào của ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An. Mọi thông tin, hỗ trợ đánh bắt và xử lý tình huống đều dựa vào các tàu bạn đến từ các tỉnh phía Nam như: Quảng Ngãi, Quảng Nam… Điểm tựa quan trọng của ngư dân, theo ông Hận đó là sự cưu mang đùm bọc của lực lượng hải quân, cảnh sát biển và tuần tra biển Việt Nam… Ngược lại, các tàu cá Việt Nam cũng chính là cơ sở để khẳng định chủ quyền biển đảo và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng chức năng trong các tình huống khẩn cấp. Vì vậy, tình cảm quân dân ở đây đã thể hiện một cách sâu sắc hơn bao giờ hết.

Khi tôi viết bài này, cha con ông Hận và các thuyền viên đang có mặt ở ngư trường Hoàng Sa cùng các ngư dân tỉnh bạn. Nơi ngàn trùng xa xôi, hiểm nguy rình rập, trái tim người thuyền trưởng vẫn đang đập theo từng nhịp sóng; và đôi chân tật nguyền ấy vẫn đang vững vàng đạp bằng sóng cả cho cá mực đầy khoang; cho thành trì giữ biển quê hương càng thêm vững chắc. Xin được gọi Thuyền trưởng Phạm Văn Hận cũng như những ngư dân Việt Nam đang có mặt ở các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa là “Những người lính không mang quân hiệu”; như cây phong ba bốn mùa vững vàng trong gió biển; như những cánh hải âu không mỏi trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ đề Biển đông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast