Khó khăn trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố

Sự gia tăng về số lượng công trình công cộng và nhà ở trên địa bàn đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với những người làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng...

Trong xu thế phát triển đô thị hiện đại, việc gắn kết, đảm bảo hài hòa các yếu tố kiến trúc, cảnh quan, môi trường là mục tiêu then chốt mà bất cứ thành phố nào cũng hướng đến.

Cùng với sự phát triển KT-XH của địa phương, những năm gần đây, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân trên địa bàn TP Hà Tĩnh ngày càng tăng. Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị, mỗi năm, các cơ quan chức năng đã cấp phép xây dựng nhà ở đơn lẻ cho 450-600 hộ; riêng 6 tháng đầu năm 2013, đã có 366 công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ được cấp phép. Sự gia tăng về số lượng nhà ở trên địa bàn đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với những người làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Do chưa phủ kín quy hoạch vùng nên việc xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố đang “mạnh ai nấy làm”.
Do chưa phủ kín quy hoạch vùng nên việc xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố đang “mạnh ai nấy làm”.

Khảo sát việc xây dựng nhà ở riêng lẻ khắp các tuyến phố ở TP Hà Tĩnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng. Hầu hết tại các địa phương, các gia đình đều xây dựng nhà ở theo kiểu tự phát “mạnh ai nấy làm”, chất lượng không đồng đều, kiến trúc không đồng nhất. Ngay ở các tuyến đường chính, nhiều ngôi nhà được xây dựng không cùng một cốt nền, chiều cao thân, mái, thậm chí có nhiều ngôi nhà “thụt, thò” trên cùng tuyến phố.

Ông Trương Hữu Chinh - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố cho biết, theo các quy định hiện hành, chỉ khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép, các gia đình trên địa bàn mới được xây dựng công trình nhà ở. Để được cấp phép xây dựng, công trình đó phải tuân thủ các quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; đảm bảo an toàn công trình và công trình lân cận; đạt các yêu cầu về: giới hạn tĩnh không, độ thông thủy, bảo vệ môi trường, PCCC, hành lang bảo vệ các công trình liên quan... Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các yếu tố trên không được người dân chấp hành một cách nghiêm túc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 60% hộ không báo cáo thủ tục khởi công, hơn 10% công trình xây dựng không có giấy phép hoặc thi công sai giấy phép.

Cũng theo ông Chinh, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng trước hết do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp, tiếp đến là việc thực thi pháp luật đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, một số chủ đầu tư công trình có vốn đầu tư từ ngân sách thường phớt lờ, không báo cáo ngày khởi công, phương án xây dựng và đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh - Hồ Thạch Sơn cho rằng, diện mạo của một đô thị không những phụ thuộc vào xuất phát điểm của đô thị mà còn phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân chính quyền đô thị ấy. Theo đó, việc đảm bảo tính hài hòa trong không gian đô thị của TP Hà Tĩnh lại gặp rất nhiều khó khăn khi thành phố chưa phủ kín các quy hoạch chi tiết từng vùng, thậm chí trong một khu vực có nhiều quy hoạch lại chồng chéo, thành ra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng nhà hết sức khó khăn.

Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị Trương Hữu Chinh cho biết thêm: Từ trước đến nay, việc cấp phép xây dựng chưa được ban hành bằng một nghị định, thông tư riêng lẻ mà được lồng ghép vào các quyết định về đầu tư xây dựng, quản lý dự án. Đến năm 2012, Chính phủ mới ban hành Nghị định 64 về cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm nghị định có hiệu lực, việc tập huấn, hướng dẫn thi hành các quy định chưa được tổ chức, gây ra những khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện. Mặt khác, do những hạn chế trong khâu quản lý nên nhiều gia đình chỉ xây dựng hồ sơ cấp phép theo kiểu chiếu lệ, đối phó, thực tế xây dựng khác với hồ sơ, thiết kế. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý trật tự đô thị đã tiến hành lập 82 biên bản xử lý hành chính, trong đó đình chỉ thi công 23 trường hợp, cảnh cáo 28 trường hợp...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh - Trần Thế Dũng cho biết: Thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm nổi cộm, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật quản lý xây dựng của người dân, được nhân dân ghi nhận, ủng hộ. Thời gian tới, thành phố tiếp tục yêu cầu UBND các xã, phường, các phòng, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động xây dựng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về chấp hành pháp luật trong xây dựng, trật tự xây dựng; thực hiện công khai, minh bạch các quy định của Nhà nước về cấp phép xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra quy hoạch trật tự xây dựng, tổ chức phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để các tổ chức, công dân nắm bắt, thực hiện; tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch xây dựng, đồng thời xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast