Khởi công giai đoạn 2 dự án 7.300 tỷ mở rộng hầm Hải Vân

Công ty CPĐT Đèo Cả chính thức khởi công mở rộng hầm lánh nạn ống phía Nam hầm đường bộ Hải Vân (Đà Nẵng) thành hầm giao thông, dự kiến đưa vào khai thác đồng bộ từ cuối năm 2020.

khoi cong giai doan 2 du an 7 300 ty mo rong ham hai van

Máy móc, thiết bị vật tư chính đã tập kết tại công trường

Đây là hạng mục quan trọng trong giai đoạn 2 của Dự án đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ GTVT phê duyệt bổ sung vào dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (từ tháng 2/2016).

Theo đó, các đơn vị thi công mở rộng hầm lánh nạn hầm Hải Vân thành hầm giao thông, với quy mô 2 làn xe cơ giới, giải an toàn, đường bộ hành và bảo dưỡng, với tổng chiều rộng hầm 9,75m, tương đương với ống hầm Đèo Cả.

Ngay sau lễ khởi công, hàng chục CBCNV Liên danh nhà Công ty CPXD và nhân lực Việt Nam- Công ty CPĐT Xây dựng cầu đường Sài Gòn cùng trang thiết bị máy móc chuyên dụng, tập trung đào và gia cố 100m đầu hầm Đông phía Nam, trước khi triển khai các gói thầu tiếp theo.

Được biết, giai đoạn thi công đầu hầm phức tạp do địa chất không ổn định, vì vậy Ban QLDA, các đơn vị chức năng, nhà thầu tập trung thi công sẽ phải kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng từng hạng mục dự án, an toàn lao động.

Trước đó, sau khoảng 2 tháng triển khai mở rộng, hiện các nhà thầu đã đào và gia cố hơn 50m đầu hầm lánh nạn phía Bắc, cơ bản đạt các mục tiêu đề ra.

Ban QLDA hầm Đường bộ Hải Vân cho hay: Các mũi thi công mở rộng phía Bắc và Nam triển khai song song vào giữa tuyến. Ban yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, lực lượng chức năng có biện pháp thi công hiệu quả, an toàn để không ảnh hưởng đến chất lượng, lưu thông của ống hầm đường bộ Hải Vân đang khai thác.

Trước đó, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý giải ngân cho dự án Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, bao gồm cả hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân.

Dự án xây dựng Hầm đường bộ Đèo cả được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam phê duyệt đầu năm 2012 theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư là 15.603 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư Đèo Cả. Trong đó, kinh phí xây dựng hầm đèo Cả (đầu tư theo hình thức BOT) là 10.555 tỷ đồng, kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến (đầu tư theo hình thức BT) 4.509 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư 539 tỷ đồng (phần vốn ngân sách nhà nước).

Hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân gồm 2 giai đoạn và công tác quản lý vận hành-bảo trì hầm Hải Vân (giai đoạn1) với tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.300 tỷ đồng. Trong đó, quý II/2017, giai đoạn 1 (sửa chữa cải tạo nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại, và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân) cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 (triển khai mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông; xây dựng các công trình phục vụ công tác quản lý vận hành và khai thác...) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Theo đó, đưa công trình hầm Hải Vân vào khai thác đồng bộ với 2 ống hầm, mỗi ống chạy một chiều với 2 làn xe.

Công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, năm 2016 Công ty CPĐT Đèo Cả đảm bảo an toàn thông suốt. Cụ thể, điều tiết gần 2,8 triệu lượt xe lưu thông an toàn, tổ chức cứu hộ 636 phương tiện bị hỏng và sự cố trong và ngoài hầm... Đặc biệt, từ năm 2017 Công ty CPĐT Đèo Cả giao nhiệm vụ cho Cổ phần quản lý khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) - là đơn vị trước đây đã quản lý vận hành hầm Hải Vân để chuyên môn hóa và tiếp cận công nghệ thiết bị mới trong quá trình thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 phục vụ cho công tác quản lý vận hành cả công trình sau khi hoàn thành.

Theo VietTimes

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast