Khơi xa vẫy gọi...

(Baohatinh.vn) - Họ là những “người con của biển” với tình yêu nghề máu thịt, ý chí quyết tâm và khát vọng vươn khơi trên những con tàu vỏ thép, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển quê hương.

1. Về vùng biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), hỏi ngư dân trẻ tuổi, tài cao Nguyễn Hữu Cường ở xóm Tam Hải 2, dường như ai cũng biết. Cường sinh năm 1982, là Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Đại Cường Phát và là thuyền trưởng của một tập đoàn khai thác cá ngừ đại dương của Đài Loan.

Niềm vui đón “lộc biển”.

Niềm vui đón “lộc biển”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề khai thác, đánh bắt hải sản nhưng do tàu nhỏ, thu nhập thấp, năm 2002, Cường rời quê đi xuất khẩu lao động đánh bắt xa bờ ở Đài Loan. Thông minh, hoạt bát nên chỉ một thời gian ngắn, Cường đã được “chọn mặt gửi vàng” ở vị trí thuyền trưởng tàu cá hơn 1.000 CV. Sau đó, anh được tin tưởng giao quản lý 20 chiếc tàu cá có công suất từ 600 - 1.200 CV với hơn 200 lao động.

Gom góp được một số vốn kha khá, Cường quyết định góp cổ phần vào 5 tàu cá của tập đoàn với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ấp ủ ước mơ được làm chủ những con tàu sắt lớn mang hình ảnh đất nước Việt Nam vươn khơi, khai thác cá ngừ đại dương, ngay sau khi tiếp cận Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014, Cường không ngần ngại đăng ký đóng tàu vỏ thép gần 1.000 CV để vươn khơi. Cường cho biết, mọi thủ tục đã hoàn tất, giờ chỉ thay đổi một số thiết kế cho phù hợp với nghề vây. Cường dự tính sẽ đầu tư khoảng 19 tỷ đồng với công nghệ đánh bắt hiện đại, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương từ khai thác hải sản đến kinh doanh dịch vụ nghề biển…

2. Phải chờ ngày biển động, tôi mới gặp được ông Lê Văn Ất ở xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội (Nghi Xuân), bởi thời gian của ông trên biển nhiều hơn ở nhà. Bên chén rượu nồng trong cái lạnh chiều xuân, ở cái tuổi ngũ tuần, nhìn ông vẫn toát lên sự cứng cỏi, từng trải của một ngư dân lão luyện.

17 tuổi, ông theo bố làm thuyền viên cho HTX Hùng Cường; 25 tuổi làm thuyền trưởng tàu cá gia đình; 42 tuổi sở hữu 2 con tàu xa bờ có công xuất trên 300 CV với 14 lao động thường xuyên, mỗi năm, thu nhập cả tỷ đồng từ nghề dạ kéo đôi. Trong gia đình ông có 4 người theo nghiệp biển với 4 đôi tàu xa bờ nhưng chỉ mình ông Ất là người mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến ra khơi

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến ra khơi

“Hơn 30 năm gắn bó với nghề biển, ước mong có được con tàu sắt để vươn khơi, tự tin trước mưa to, sóng lớn và hơn hết, góp phần nhỏ bé để bảo vệ chủ quyền vùng biển, giờ đang dần trở thành hiện thực” – ông Ất phấn khởi. Con tàu sắt của ông có công suất 811 CV được đóng tại Thái Bình, hiện đã đạt 50% tiến độ, dự kiến quý I/2016 sẽ hoàn thành…. Nối tiếp ông là 2 con trai sẽ cùng cha vững tin trên con tàu vỏ thép rẽ sóng vươn khơi khai thác hải sản trên mọi vùng biển của Tổ quốc.

3. Sáng sớm, khi mặt người chưa tỏ, vùng biển Cửa Nhượng đã nhộn nhịp tàu thuyền vào ra. Tìm đến thuyền của anh Lại Thế Sơn ở thôn Lâm Hoãn xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), chúng tôi nghe anh “khoe” thành quả của mình sau một chuyến biển bội thu.

Nước da ngăm đen, cứng cỏi của một ngư dân nơi đầu sóng, ngọn gió và hơn hết là tác phong hoạt bát, nhanh nhẹn của anh được tôi luyện trong suốt 4 năm ở môi trường quân đội. 19 tuổi, anh Sơn rời quê hương lên đường nhập ngũ, khi sự kiện 14/3/1988 xẩy ra, anh xung phong ra đảo Trường Sa làm lính pháo binh, bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Xuất ngũ trở về quê hương với nghề truyền thống khai thác hải sản nhưng không có vốn nên anh chỉ đủ mua một chiếc thuyền 12 CV khai thác quẩn quanh ven bờ. “Khăn gói” ra tỉnh bạn học hỏi thêm nghề khai thác vùng khơi, trở về, anh mạnh dạn vay vốn mua lại một tàu có công suất 42 CV đánh bắt xa bờ đầu tiên của xã. Sau 4 năm, tích lũy được ít vốn, anh lại tiếp tục nâng cấp con tàu xa bờ khác có công suất hơn 180 CV. Từ đó đến nay, nghề dạ cào đơn của anh đã tạo được “thương hiệu” khắp vùng cửa Nhượng.

Trong tâm nguyện của người cựu lính đảo, anh Sơn luôn ao ước có được một con tàu lớn vươn khơi xa, trở lại vùng biển đảo Trường Sa. Nghị định 67 của Chính phủ mở ra “cơ hội” hiếm có đối với anh. Anh quyết định vay vốn đóng tàu vỏ thép hơn 800 CV với công nghệ hiện đại để vươn khơi, đạt được tâm nguyện của mình nhằm phát triển kinh tế, tiếp tục bảo vệ chủ quyền vùng biển…

4. Trong số 15 ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép của tỉnh thì Trần Văn Tuấn ở xóm Hội Long (Xuân Hội) có tuổi đời trẻ nhất. Sinh năm 1983, hơn 14 năm đi biển, nói về kinh nghiệm đánh bắt xa bờ của Tuấn thì nhiều người trong vùng phải nể phục.

Ngư dân Trần Văn Tuấn (xóm Hội Long, Xuân Hội, Nghi Xuân) hiện là người trẻ nhất mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép vươn khơi.

Ngư dân Trần Văn Tuấn (xóm Hội Long, Xuân Hội, Nghi Xuân) hiện là người trẻ nhất mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép vươn khơi.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề khai thác hải sản, 18 tuổi, Tuấn đã khai thác xa bờ bằng nghề dạ kéo đôi đánh bắt những sản phẩm có giá trị kinh tế cao như cá man, cá thu, cá nhỡ, mực… tại các vùng biển Cát Bà (Hải Phòng), Quảng Bình… Nhờ am hiểu ngư trường, thông thạo con nước, mùa vụ, em được bố tin tưởng giao làm thuyền trưởng đôi tàu 320 CV. Khai thác xa bờ là nơi “trăm hạt mưa, ngàn hạt gió”, biết bao khó khăn, hiểm nguy nhưng tàu của Tuấn luôn mang lại hiệu quả cao, anh em lao động trên thuyền hết sức phấn khởi.

“Khi tàu vỏ gỗ ra khơi xa, em vẫn nơm nớp lo sợ, nhất là vào những ngày biển động, sóng to, gió lớn. Vì vậy, em bàn bạc với gia đình vay vốn đóng tàu vỏ thép với công suất 815 CV để khai thác tại các vùng biển khác cách bờ khoảng 100 - 120 hải lý. Ở đó, ngư trường dồi dào, hải sản lại có giá trị kinh tế cao” – Tuấn tâm sự.

Hiện Tuấn đang là Giám đốc HTX Khai thác đánh bắt và Chế biến thủy sản Tuấn Nga, giải quyết việc làm cho 15 lao động với thu nhập bình quân 8–10 triệu đồng/người/tháng. Tuổi trẻ, với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, tin rằng, Tuấn sẽ mang về những sản phẩm có giá trị trên con tàu vỏ thép với biết bao dự định, ấp ủ của mình.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast