Kinh tế Việt nam: Đã qua thời kỳ xấu?

Sau dữ liệu về chỉ số PMI ngành sản xuất, ngân hàng HSBC đã đưa ra nhận định, dù nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng tình hình xấu nhất dường như đã qua.

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam trong tháng 2/2014. Theo HSBC, trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ vào sự đổi mới dần dần của việc xây dựng năng lực thể chế và tập trung cho đầu tư các hoạt động sản xuất. Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng Giêng đã đạt kết quả cao nhất kể từ tháng 4/2011 và sản lượng có nhiều khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới.

“ Tình hình xấu nhất dường như đã qua, các nhà làm chính sách hiện nay có thể đề ra một chiến lược cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam và phát hiện ra tiềm năng của đất nước”, báo cáo của HSBC nhận định.

Bất động sản có dấu hiệu "ấm" dần
Bất động sản có dấu hiệu "ấm" dần

Sản lượng sản xuất tăng mạnh từ 52,6 điểm lên 53,5 điểm thể hiện nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam đang dần tăng. Nhu cầu nước ngoài cũng đang cải thiện với tăng trưởng ở các nước thuộc khối Cộng đồng chung châu Âu và Mỹ được kỳ vọng sẽ mạnh hơn trong năm 2014 so với với năm 2013. Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận cao tới những thị trường này sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá của đất nước trong năm Giáp Ngọ này.

Chỉ số phụ đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã thể hiện khuynh hướng này khi tăng từ mức 49,1 điểm trong tháng 12 lên 52,2 điểm trong tháng 1. Việc làm tiếp tục xu hướng tăng trưởng liên tục trong sáu tháng qua với kết quả chỉ số tháng Giêng chỉ rõ có sự tăng mạnh về nhân công. Số lượng hàng mua là chỉ số phụ có mức tăng lạc quan nhất từ mức 53,8 điểm trong tháng 12 lên 55,2 điểm trong tháng 1, phản ánh nhu cầu hàng hoá cho sản xuất tăng mạnh hơn.

“Trong những tháng tới chúng tôi kỳ vọng sản lượng sẽ tăng tốc”, nhóm nghiên cứu của HSBC dự đoán.

Dựa trên phân tích biểu đồ cho thấy, sản xuất hiện đang không đáp ứng được nhu cầu. Hàng tồn kho sau khi bị giảm xuống mức kỷ lục do các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp nhằm giải toả hàng tồn kho cũng đang tiếp tục giàm mạnh. Tuy nhiên, đơn đặt hàng mới đang tăng do nhu cầu nước ngoài tăng và các điều kiện trong nước ổn định. Điều này đã khiến chỉ số chỉ thị chính – đơn đặt hàng mới trừ đi hàng tồn kho đã nhảy lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2011, có nghĩa rằng sản xuất sẽ tăng tốc trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu.

Theo HSBC: “Chúng tôi hy vọng lĩnh vực sản xuất sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao mức tăng trưởng GDP từ 5,4% trong năm 2013 lên mức dự kiến 5,6% trong năm 2014”.

Lạm phát tháng Giêng cho thấy nhu cầu vẫn duy trì ở mức thấp. Lạm phát toàn phần đã chậm lại từ mức 6% trong tháng 12 xuống còn 5,5% trong tháng Giêng so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về tính liên tục, giá cả toàn phần có điều chỉnh mùa vụ đã tăng 0,3% so với tháng trước từ mức 0,8% trong tháng 12. Giá cả thực phẩm đã chậm lại từ mức 5,1% trong tháng 12 xuống còn 4,5% trong tháng Giêng so với năm ngoái.

Xét về tháng, lạm phát giá thực phẩm đã tăng 0,8% so với tháng trước trong khi tháng 12 chỉ tăng 0,5%. Lạm phát cơ bản phản ánh nhu cầu tuột khỏi tình hình giá cả biến động như giá thực phẩm và vận chuyển đã giảm từ mức 7,4% trong tháng 12 xuống còn 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

HSBC kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ xoay quanh mức 6-7% trong năm nay. Ngoài ra, lãi suất OMO sẽ tiếp tục ổn định trong quý I/2014.

Nguồn: VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast