Lạm phát 2012: Khi “ăn” không còn là số 1

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2012 đã tăng 0,27% so với tháng trước, và tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011. Bình quân cả năm 2012 tăng 9,02% so với cả năm 2011.

Như vậy, lạm phát của năm nay đã dừng ở mức dưới 7%, đảm bảo được mục tiêu của Quốc hội đề ra, bằng 1/3 con số tương ứng của năm 2011.

Diễn biến giá năm nay có phần nào giống với diễn biến giá năm 2009 khi cùng cán đích ở mức dưới 7% mặc dù năm trước đó là gần 20%. Đấy là nhìn vào con số chung, còn diễn biến từng thành phần thì khác hẳn nhau về bản chất.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Lạm phát chung năm 2009 là 6,52% nhưng lạm phát cơ bản loại trừ lương thực thực phẩm gần 8%. Những con số này minh chứng rằng tiền tệ đóng vai trò chủ yếu trong diễn biến giá cả năm 2009. Điều này cũng dễ hiểu bởi trước đó ngày 2/12/2008 gói kích cầu tương đương 1 tỷ USD đã được chính thức khởi động và đi vào thị trường. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, tiền từ ngân hàng cũng đã thẩm thấu vào nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng năm 2009 gần 38%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá đã tăng 11% so với năm trước phần nào phản ánh được mức độ hấp thụ và lưu thông tiền trong nền kinh tế.

Những điều này cũng phản ánh qua giá khi diễn biến cả năm 2009 của 11 nhóm hàng chủ yếu khá tương đồng nhau. Ngoại trừ nhóm giao thông, nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng ảnh hưởng của giá dầu thế giới và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác ảnh hưởng bởi “cơn bão giá vàng” để tăng trên 10%, thì các nhóm hàng còn lại tăng “khá đều bước” xung quanh chỉ số chung. Trong đó, với quyền số lớn nhất, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng cả năm là 5,78% cũng đóng góp đáng kể 2,3% vào mức tăng chung 6,81%.

Năm 2012 thì có diễn biến rất khác trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Tránh bị mang tiếng là nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát do có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lần đầu tiên chỉ tăng 1% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào mức tăng chung của cả năm chỉ là 0,4%. Ngoài ảnh hưởng bởi cung cầu, đây là nhóm hàng vốn nhạy cảm với “lạm phát tâm lý” nhưng đã không có cơ hội bùng nổ trong năm nay.

“Vô địch” trong năm và cũng chưa từng xảy ra từ trước đến nay khi nhóm thuốc và dịch vụ y tế “đại nhảy vọt” khi cả năm tăng tới 45,23%, đóng góp 2,5% trong tổng số 6,81% chung cả năm. Bên cạnh đó, nhóm giáo dục cũng tăng tới 16,97% và đóng góp thêm 1,14% tăng chung cả năm.

Như vậy, nếu y tế và giáo dục năm qua được kiểm soát bình ổn, thì lạm phát cả năm chỉ là trên 3%. Một con số khá ngạc nhiên đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Sự ngạc nhiên trên xuất hiện ở năm nay có thể phần nào nhận thấy thông qua các chỉ tiêu tiền tệ, sản xuất và tiêu dùng liên quan đã được công bố như tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 chỉ khoảng 5% (gần bằng 1/6 năm 2009), giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2012 chỉ tăng 4,6% (gần bằng ½ năm 2009) và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cũng gần bằng ½ năm 2009) mặc dù lạm phát cơ bản năm nay cũng ở con số gần 8%, tương đương năm 2009.

Với diễn biến giá cả chung như năm nay, nhiều chuyên gia đã lo ngại về kịch bản diễn biến giá từ năm 2012 sang 2013 sẽ giống với năm 2009-2010.

Đặt trong tương quan chung, theo quan điểm của người viết, tăng trưởng chứ không phải lạm phát mới là mối quan tâm của kinh tế Việt Nam trong năm tới 2013.

Theo VnEconomy.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast