Lình xình trong việc cho thuê đất nuôi tôm tại xã xuân Đan Nghi Xuân.

Nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi vậy không khó hiểu khi xã Xuân Đan trở thành mảnh đất “vàng” cho nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, không phải người dân nào trong địa phương cũng được hưởng đặc ấn này. Chỉ vì một chút quyền lợi nhỏ lãnh đạo xã Xuân Đan đã bấp chấp mọi quy định của pháp luật để rồi chính họ phải nếm mùi quả đắng. Và, sự việc không dừng lại ở đó…

Đồng tôm của ông Khánh
Đồng tôm của ông Khánh

Đầu năm 2012, UBND xã Xuân Đan tự ý ký hợp đồng cho ông Nguyễn Viết Khánh (trú tại xã Xuân Đan) thuê 4,4 ha đất tại xóm Bình Phúc để triển khai dự án nuôi tôm trên cát với giá thuê 2 năm đầu là 6 triệu đồng/ha và 3 năm tiếp tính theo giá quy định của UBND tỉnh. Điều đáng nói là trong số diện tích này có 2,03 ha diện tích rừng phòng hộ. Và, mặc dù quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thủy sản huyện Nghi Xuân chưa được UBND tỉnh phê duyệt nhưng lãnh đạo xã Xuân Đan đã bất chấp thu về số tiền cho thuê là 52.800 ngàn đồng sau khi nhận đơn xin thuê đất của ông Khánh

“ Cũng vì quá nôn nóng với việc xây dựng NTM nên chúng tôi đã “vô tình” bỏ qua các quy định của pháp luật. Chỉ đơn giản nghĩ là có nhà đầu tư đến, bộ mặt nông thôn sẽ đổi thay và ít nhiều cũng nhận sự hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở” - Chủ tịch UBND xã Xuân Đan Trần Bình Định phân trần. Sau khi được chính quyền xã “tiếp tay”, ông Khánh đã khẩn trương bắt tay vào việc san lấp mặt bằng và triển khai các công việc tiếp theo trên phần đất đã được chính quyền xã... “phê duyệt”. Cho đến nay theo lời ông Khánh thì toàn bộ “ số tiền đầu tư cho đồng tôm đã lên đến 2 tỷ đồng”.

lLắp đặt đường điện vâp phải phản ứng của ngươi dân
lLắp đặt đường điện vâp phải phản ứng của ngươi dân

Vì sự việc này, việc triển khai thi công các hạng mục tiếp theo của chủ đồng tôm buộc phải dừng lại chờ…xử lý. Ngày 26/7, Hội đồng kỷ luật huyện Nghi Xuân đã ra văn bản số 1121/QĐ-UBND về việc kỷ luật cán bộ chuyên trách cấp xã. Theo đó, kỷ luật với hình thức cảnh cáo ông Trần Bình Định Chủ tịch UBND; ông Võ Văn Khang Phó Chủ tịch và ông Phạm Xuân Thảo công chức địa chính xã Xuân Đan nhận hình thức khiển trách; bà Trần Thị Huệ và bà Trần Thị Hiếu - công chức Tài chính- kế toán bị phê bình vì đã tự ý thu khoản tiền 52.800 ngàn đồng của chủ đầu tư

Sự việc tưởng chìm dần vào quên lãng và người dân tin rằng cơ hội sẽ được chia đều cho mọi người nếu huyện thu hồi rồi giao cho các hộ tự góp vốn đầu tư xây dựng. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngày 5/7/2012 UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản huyện Nghi Xuân, trong đó có quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản xóm Bình Phúc. Phần diện tích giao cho ông Khánh chỉ còn 21.367m2 sau khi đã thu hồi diện tích rừng phòng hộ. Ngày 20/7 UBND Nghi Xuân đã ra QĐ số 1095/QĐ-UBND về việc thu hồi 21.367m2 đất (loại đất rừng sản xuất do UBND xã Xuân Đan quản lý) rồi tiếp tục cho ông Nguyễn Viết Khánh thuê. Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Đặng Văn Tính cho rằng “ Xã sai, cán bộ chủ chốt đều nhận các hình thức kỷ luật. Còn việc chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn vẫn phải tiếp tục cho họ triển khai sau khi đã thu hồi lại phần diện tích rừng phòng hộ”.

Dư luận đặt vấn đề, liệu huyện và xã có “bắt tay” với nhau hay không mà lại xảy ra chuyện “con voi chui tọt lỗ kim’ khi một dự án đầu tư được triển khai tại nơi được coi là rừng phòng hộ mà huyện Nghi Xuân không hề hay biết?. Nếu không thì vai trò giám sát và trách nhiệm quản lý Nhà nước của huyện Nghi Xuân ở đâu?. Cho đến nay, chưa có một tín hiệu nào cho thấy cán bộ huyện bị xử lý về trách nhiệm liên đới vụ việc mà chỉ có sự “chia sẻ mất mát” của doanh nghiệp nên công việc tiếp tục xây đồng tôm chẳng thể đừng.

Người dan bức xúc trao đổi với PV báo Hà Tinh
Người dan bức xúc trao đổi với PV báo Hà Tinh

Sau khoảng 7 tháng “án binh bất động” dự án đầu tư lại tiếp tục được triển khai. Nhưng khi chủ đồng tôm cho lắp đặt đường dây điện từ xã vào đồng tôm lại vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân. Mặc dù nhà đầu tư cũng đã cam kết là hỗ trợ mỗi hộ là 2 triệu đồng đối với 12 hộ nằm dưới đường điện đi qua nhưng vẫn không xoa dịu được nỗi bức xúc của người dân.“Số tiền đó là lớn đối với dân nghèo như chúng tôi. Nhưng trận bão xảy ra năm 2009, hàng loạt cột điện bị gãy gục luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Nay cột điện được chôn sát nhà, ai có thể khẳng định là không sập nhà, chết người khi mưa bão ập đến" - Bà Đinh Thị Mão thân nhân liệt sỹ Đinh Hữu Hợi trú tại xóm Bình Phúc bức xúc nói . Nhiều người dân chúng tôi tiếp xúc đều tỏ ra giân dữ nói rằng “ Hy sinh vì một dự án lớn theo chủ trương của Nhà nước thì ai cũng đồng tình. Nhưng chỉ vì quyền lợi của một cá nhân lại đẩy người dân lâm vào thế nguy hiểm là không thể chấp nhận được”

Sau khi có đơn xin đấu nối đường điện của ông Nguyễn Viết Khánh, ngày 21/8 UBND huyện Nghi Xuân đã có văn bản số 650 về việc thi công đường điện dân sinh. Theo đó, yêu cầu UBND xã Xuân Đan phối hợp với các tổ chức đoàn thể tiến hành tuyên truyền và vận động nhân dân để GPMB thi công tuyến đường điện dân sinh phục vụ dự án nuôi tôm trên cát tại xóm Bình Phúc. Tuy nhiên đến ngày 30/8 xã Xuân Đan mới tổ chức họp các hộ dân. Có 12 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng bất thường là “họ chỉ mời 5 hộ tham gia. Và chỉ sau đó một ngày, dù chưa đồng thuận, sáng 1/9 “đầu gấu” trong xã lại tiến hành đào đất rồi chôn cột vào lúc trời đang mưa” - bà Phan Thị Dung tiếp tục bày tỏ

Trong khi đó chủ tịch UBND xã Xuân Đan Trần Bình Định lý giải“ Chủ đầu tư cam kết là trong thời gian sử dụng nếu xảy ra sự cố họ chịu toàn bộ chi phí và trách nhiệm. An toàn hay không lại thuộc về ngành điện chứ chúng tôi không thể bắt họ phải cam kết với người dân được”.

Phát triển nuôi tôm trên cát theo công nghệ cao tại Xuân Đan là cần thiết. Tuy nhiên trước khi triển khai chính quyền phải thông báo với người dân, đồng thời bàn bạc xem phương thức tiến hành như thế nào và ai sẽ được hưởng lợi. Tất nhiên sai phạm ban đầu đã bị xử lý, vấn đề là huyện Nghi Xuân đã không rút ra được bài học kinh nghiệm để tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới khi ngày 18/7 ông Khánh làm đơn xin thuê đất thì chỉ 2 ngày sau huyện Nghi Xuân lại nhanh chóng ra quyết định 1095 như đã nói ở trên khiến người dân bức xúc vì họ chẳng được bàn bạc về việc tiếp tục thực hiện dự án.

Và, liệu rằng khi đường điện được lắp đặt xong trong quá trình vận hành nếu xảy ra sự cố về người và tài sản ai sẽ đứng ra đề bù và chịu trách nhiệm. Mong muốn có một văn bản cam kết với đầy đủ chữ ký của các ngành chức năng cũng không được đáp ứng. Đó chính là nguyên nhân khiến các hộ dân gửi đơn kêu cứ kiến nghị khắp nơi làm mất ANTT trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast