Lộ trình trả nợ XDCB còn lắm gian nan!

Một “điệp khúc” đang mặc nhiên tồn tại trong công tác xây dựng cơ bản (XDCB) những năm qua: chưa có tiền trả nợ, chủ đầu tư cứ... khất nhà thầu. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), một trong những giải pháp quan trọng là tập trung trả nợ đọng XDCB theo tinh thần Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đang chỉ đạo các ngành chức năng nỗ lực vào cuộc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn...

Cho đến nay, một DN vào hàng “tí hon” như Công ty TNHH Đại Thành tại xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) cũng đang trông ngóng từng ngày khoản tiền 500 triệu đồng chủ đầu tư đang khất lần vì lý do… chưa có nguồn. Trong khi đó, “thuế, lãi suất ngân hàng và nhiều khoản phí khác, Công ty lại phải oằn mình trả nợ”… - Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với món nợ đọng lên đến hàng chục tỷ đồng đối với một thương hiệu có tầm cỡ như Công ty TNHH Châu Tuấn. Riêng với Tổng Công ty KS-TM Hà Tĩnh (Mitraco), theo lời Tổng Giám đốc Dương Tất Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh thì “chủ đầu tư hiện đang nợ 5 tỷ đồng tiền san lấp mặt bằng và thi công bãi rác xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)”. Trong bối cảnh khó khăn chung, những món nợ này khiến không chỉ công ty nhỏ mà ngay cả DN lớn cũng rất vất vả.

Công trình hội trường và trạm y tế xã Thạch Hưng đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán đủ tiền cho nhà thầu. Ảnh: Bá Tân
Công trình hội trường và trạm y tế xã Thạch Hưng đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán đủ tiền cho nhà thầu. Ảnh: Bá Tân

Để khắc phục những bất cập trên, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương, tỉnh ta tập trung nguồn lực và chỉ đạo các ngành chức năng, đặc biệt là Sở KH-ĐT đã vào cuộc một cách quyết liệt. Sau 3 tháng, đoàn liên ngành tiến hành rà soát, con số nợ XDCB trên địa bàn cũng đã được chốt lại một cách chính xác để tiến hành lộ trình xử lý nợ.

Theo đó, tổng số nợ đến hết ngày 31/12/2012 là 1.422,304 tỷ đồng. Trong đó nợ từ ngân sách T.Ư 688,590 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 103,821 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã 541,188 tỷ đồng; các nguồn khác 88,705 tỷ đồng.

Kết quả khảo sát cho thấy, nợ XDCB trên địa bàn chủ yếu thuộc các dự án đầu tư từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu và nguồn ngân sách xã. Trong đó, nguồn hỗ trợ có mục tiêu chiếm 37,57%; nguồn ngân sách xã chiếm 26,1%. Tuy nhiên, mấu chốt lại nằm ở các công trình thuộc nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu lớn như: đầu tư theo Nghị quyết 39 (147 tỷ đồng), chương trình đê biển (99,263 tỷ đồng), các công trình khắc phục bão lụt (108,94 tỷ đồng)…

Mặc dù các nguồn vốn đã được ưu tiên đầu tư nhưng khả năng trả nợ trong 3 năm tới sẽ rất khó khăn. Như vậy, theo Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ, “hết năm 2015 phải hoàn tất xử lý nợ đọng” khó có thể thực hiện được.

Khó khăn trong việc xác định chính xác các dự án còn nợ XDCB thuộc nguồn ngân sách cấp xã là nhiều công trình triển khai từ nhiều năm trước đây do cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải thay đổi công tác. Mặt khác, công tác lưu giữ, bảo quản hồ sơ dự án bị thất lạc khá nhiều nên xác định danh mục nợ còn thiếu so với thực tế.

Ở thời điểm hiện tại, có 12 xã, thị trấn nợ trên 7 tỷ đồng. Riêng thị trấn Kỳ Anh nợ nhà thầu lên đến 24 tỷ đồng. Đề cập đến nguồn để trả nợ, Chủ tịch UBND thị trấn Kỳ Anh - Nguyễn Thế Anh cho biết: “Thị trấn đã hoàn thiện hạ tầng khu dân cư, đồng thời phân lô được 50 suất đất để bán. Nhưng sau nhiều lần thông báo vẫn chưa thấy ai đả động đến”.

Mặc dù nợ nhà thầu số tiền xấp xỉ 13 tỷ đồng, nhưng xã Thạch Hưng (TP Hà?Tĩnh) cũng chỉ trông chờ duy nhất vào việc bán đất để trả nợ. Tuy nhiên, “nếu khấu trừ vốn đầu tư hạ tầng rồi tính theo tỷ lệ chia 50-50, nghĩa là xã được 50%, thành phố 50% từ tiền bán đất thì xã có thể khỏa lấp; còn nếu không được chấp thuận thì số tiền thu từ bán đất chỉ tương đương khoảng 7-8 tỷ đồng, không đủ để trả nợ. Đó là chưa nói đến việc thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay khiến lộ trình trả nợ càng bế tắc hơn” - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng - Phan Văn Hội phân trần.

Trong khi đó, Giám đốc Sở KH-ĐT Phan Cao Thanh lại nhấn mạnh: “Việc trả nợ đã được phân cấp, cấp nào trả theo cấp nấy. Tỉnh cũng như huyện và xã cũng vậy. Lộ trình thực hiện đang nằm trong tầm tay”.

Có thể nhận thấy điều lạc quan này là có cơ sở nhưng mới chỉ dừng lại ở cấp T.Ư và cấp tỉnh khi kế hoạch trả nợ từ nguồn này lên đến 840 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với cấp huyện và cấp xã, việc tìm kiếm nguồn kinh phí trong bối cảnh hiện nay sẽ không hề đơn giản.

Bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện cấm khởi công công trình mới để không phát sinh thêm nợ XDCB, “nhiều địa phương cũng đề xuất giảm hoặc miễn tỷ lệ phân chia tiền bán đất để tập trung nguồn cho cấp xã trả nợ. Nhưng đề xuất này không được chấp nhận” - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Văn Lượng khẳng định. Như vậy, lộ trình trả nợ XDCB, đặc biệt là nợ từ nguồn ngân sách xã còn lắm cam go.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast