“Loại trừ một vụ cháy rừng bằng một ca nước”!

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh diễn ra nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng rất cao. Câu châm ngôn: “Có thể loại trừ một vụ cháy rừng bằng một ca nước” luôn có lý khi công tác phòng cháy được thực hiện một cách chu đáo, việc phát hiện, dập cháy được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Lợi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh.

Bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2013:

- Theo dự báo của Trung tâm KTTV Trung ương, năm 2013, nắng nóng, khô hạn đến sớm và kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Xin ông cho biết cụ thể hơn về công tác triển khai kế hoạch BV - PCCCR năm 2013 của các địa phương, chủ rừng... trên địa bàn?

Xác định công tác BV-PCCCR là nhiệm trọng tâm và hết sức phức tạp, mang tính xã hội nên ngay từ đầu năm 2013, BCĐ về Kế hoạch BV và phát triển rừng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã tổ chức đánh giá tổng kết công tác BV-PCCCR năm 2012, rút ra được những ưu, nhược điểm và bài học kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch năm 2013 sát đúng với tình hình thực tế trên địa bàn; chỉ đạo các xã, chủ rừng xác định các vùng trọng điểm về công tác BV-PCCCR để xây dựng phương án cụ thể trình BCĐ huyện phê duyệt, triển khai thực hiện; tập trung kiểm tra, rà soát lại hệ thống công trình PCCCR để có kế hoạch xây dựng, tu sửa, mua sắm kịp thời...

Cán bộ, công nhân viên BQL Rừng phòng hộ Cẩm Xuyên diễn tập PCCCR.
Cán bộ, công nhân viên BQL Rừng phòng hộ Cẩm Xuyên diễn tập PCCCR.

Đến đầu tháng 5, công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ BV-PCCCR năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản đã hoàn tất. Theo đó, toàn tỉnh ký 36.157 bản cam kết cho các đối tượng là học sinh và các hộ dân sống trong và gần rừng; xây dựng, tu sửa 285,45 km đường băng cản lửa, 267 biển tường, 375 biển báo, 28 chòi canh lửa; xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy 1.953,5 ha...; chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ”.

Đối với các địa phương có diện tích rừng dễ cháy (Kỳ Anh 16.800 ha, Hương Sơn 9.809 ha, Hương Khê 7.763 ha, Vũ Quang 5.143 ha, Cẩm Xuyên 2.620 ha, Thạch Hà 2.320 ha) được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thời gian gần đây, BCĐ tỉnh đã tổ chức nhiều đợt đi kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án BV-PCCCR các huyện, thị xã, các xã, chủ rừng nhằm phát hiện, bổ cứu kịp thời những tồn tại, thiếu sót.

- Trong nhiều năm qua, chúng ta luôn nhắc và xem việc thực hiện “4 tại chỗ” trong PCCCR có tính quyết định đến “số phận” của những cánh rừng. Tuy nhiên, thực tế khi xẩy ra cháy, “4 tại chỗ” chỉ còn “1”, “2”, gây lúng túng, khiến diện tích rừng bị thiệt hại lớn. Vậy năm 2013, “4 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh có gì khác trước, thưa ông?

Phương châm “4 tại chỗ” không chỉ áp dụng có hiệu quả trong PCCCR mà còn được áp dụng cả ở nhiều lĩnh vực khác. Nhiều năm nay, phương châm này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Câu châm ngôn: “Có thể loại trừ một vụ cháy rừng bằng một ca nước” luôn luôn đúng khi phát hiện ngay để dập cháy. Và, trên thực tế, nhiều địa phương đã làm được điều này.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR của chính quyền cấp huyện, xã, chủ rừng và người dân địa phương một số nơi chưa tốt nên đã để xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn, như các huyện: Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang....

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chính quyền địa phương (đặc biệt cấp xã), chủ rừng chủ quan, lơ là, trách nhiệm chưa cao; ý thức, kiến thức BV-PCCCR của người dân địa phương hạn chế nên việc phát hiện, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy thiếu kịp thời, lúng túng, gây thiệt hại lớn diện tích rừng.

Năm 2013, ngoài việc chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại chỗ, BCĐ tỉnh còn chỉ đạo các huyện phải tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ càng các biện pháp PCCCR cho các tổ đội xung kích, lực lượng PCCCR cơ sở; khả năng chỉ huy, chỉ đạo trong PCCCR cho các lực lượng chuyên trách và lãnh đạo cốt cán cấp huyện, xã, chủ rừng; duy trì chế độ hoạt động BCĐ các cấp; thường xuyên tổ chức kiểm tra chế độ trực canh gác lửa rừng của lực lượng bảo vệ rừng, Kiểm lâm địa bàn để phát hiện kịp thời các đám cháy, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ và chỉ huy chữa cháy kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây nên.

- Xin ông cho biết thêm về một số vấn đề cần gấp rút triển khai và kiến nghị, đề xuất để nhiệm vụ BV - PCCCR năm 2013 đạt hiệu quả?

Để công tác PCCCR năm 2013 đạt kết quả cao, kế hoạch cần gấp rút triển khai trong thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án BV-PCCCR, nhằm bổ cứu kịp thời những tồn tại, thiếu sót. Các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các xã, chủ rừng hoàn chỉnh việc xây dựng, tu sửa, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ và công trình PCCCR đưa vào sử dụng kịp thời, phát huy tốt hiệu quả; tiếp tục tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật PCCCR cho các tổ đội xung kích; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và nhiều kênh thông tin khác tuyên truyền mạnh về nguy cơ cháy rừng, cách phòng chống… nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về BV- PCCCR cho mọi tầng lớp nhân dân.

Qua đây, ngành cũng đề nghị UBND tỉnh và các cấp, ngành xem xét, hỗ trợ kinh phí cho UBND các xã để tổ chức thực hiện nhiệm vụ BV-PCCCR theo đúng tinh thần tại Điều 3, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, ngày 08/2/2012 của Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, nhất là các xã có diện tích rừng lớn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast