Luật Quản lý thuế sửa đổi - Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Từ ngày 1/7/2016, nhiều chính sách thuế sửa đổi như Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Quản lý thuế bắt đầu có hiệu lực.

luat quan ly thue sua doi chia se kho khan voi doanh nghiep

Hoạt động mua bán ô tô tại Công ty CP Xây lắp và Thương mại Hoàng Hà

Để thông tin rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Dương Hồng Lĩnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh.

- Các chính sách thuế sửa đổi như Luật Thuế GTGT, TTĐB, Quản lý thuế bắt đầu có hiệu lực từ 1/7. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự thay đổi này?

Ngày 6/4/2016, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật số 106 sửa đổi, bổ sung 3 luật đó là Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và

Quản lý thuế. Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 với những thay đổi quan trọng sau đây:

Thứ nhất: Luật số 106 của Quốc hội đã sửa đổi nội dung về miễn, giảm thuế tại Điều 61 của Luật Quản lý thuế số 78 năm 2006 của Quốc hội khóa 11, áp dụng với người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Theo đó, quy định các trường hợp cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế.

Đồng thời, luật cũng quy định rõ hơn việc thực hiện miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Tổng số thuế miễn, giảm theo quy định này hàng năm tuy không đáng kể trong tổng số thu ngân sách nhà nước, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn vì đại bộ phận người dân nông thôn, người lao động nghèo ở đô thị sẽ được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và cơ quan thuế cũng giảm được chi phí về nhân lực quản lý để tập trung vào quản lý các nguồn thu khác có hiệu quả hơn.

Thứ hai: Nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với những người nộp thuế có ý thức, thái độ tuân thủ pháp luật thuế nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về tài chính, cần có thời gian để thu xếp nguồn tiền để nộp dần số thuế nợ, Luật 106 quy định chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế gắn với điều kiện là họ phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Để bảo đảm công bằng với người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật và không nợ thuế, luật vẫn có quy định người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đang được cơ quan thuế cho giãn thời hạn nộp.

Thứ ba: Quy định về mức phạt chậm nộp thuế đã giảm từ 0,05%/ngày xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm nhiều so với trước đây, bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với người nộp thuế.

Theo đó, Luật 106 đã quy định: Nếu người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thì ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, còn phải trả tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 1/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào ngân sách nhà nước, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo tỷ lệ quy định này từ ngày 1/7/2016.

Ngoài ra, luật cũng bổ sung quy định trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Tuy nhiên, số tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp được miễn trừ chỉ giới hạn trong phạm vi không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.

- Xin ông cho biết, ngành Thuế Hà Tĩnh đã có những động thái gì để các quy định mới này sớm đi vào thực tiễn?

Mỗi khi có những thay đổi về chính sách thuế, ngành Thuế Hà Tĩnh đều chủ động tuyên truyền, hướng dẫn tới các doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn. Qua các hình thức như tập huấn, trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, tờ rơi, hay qua hộp thư điện tử,... chúng tôi có thể tiếp cận và chuyển tải được các nội dung mới thay đổi của chính sách thuế đến người nộp thuế.

Với những nội dung mới của Luật số 106 lần này cũng vậy, có thể nói, ngành Thuế Hà Tĩnh đã và đang có những bước cải cách về thủ tục hành chính thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast