“Ma trận” lãi suất trong bán hàng trả góp

(Baohatinh.vn) - Các chương trình bán hàng trả góp xuất hiện như một “cứu cánh” giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm có giá trị với chi phí ban đầu không quá lớn. Tuy nhiên, khi quyết định mua hàng theo hình thức này, người tiêu dùng nên cân nhắc thật kỹ để tránh những tổn thất tài chính không đáng có.

Nở rộ thời “bão giá”

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, khả năng “mua đứt” những vật dụng có giá trị không phải dễ, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình. Nắm bắt thực tế này, hàng loạt công ty tài chính cho vay tiêu dùng cá nhân liên kết với đơn vị bán hàng liên tục ra đời đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách hàng.

Nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh sử dụng phương thức bán hàng trả góp để đẩy nhanh sức tiêu thụ sản phẩm
Nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh sử dụng phương thức bán hàng trả góp để đẩy nhanh sức tiêu thụ sản phẩm

Tại thị trường Hà Tĩnh, khoảng 5 năm trở lại đây, dịch vụ bán hàng trả góp xuất hiện khá dày đặc khi có nhiều doanh nghiệp, công ty tham gia với đa dạng các mặt hàng, từ điện tử, điện máy, đồ gia dụng, nội thất, trang sức... đến xe máy, ô tô. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện trên thị trường tỉnh ta có một số công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực mua, bán hàng trả góp với thủ tục và cách tính lãi khác nhau như SGVF, PPF, ACS… liên kết với các đơn vị bán hàng như xe máy Bình Thủy, Honda Phú Tài, Thế giới di động… để phục vụ nhu cầu của khách hàng nội tỉnh.

Bán hàng trả góp “được lòng” không ít khách hàng vì thủ tục đơn giản, không phải kê khai phức tạp như các kiểu vay thông thường. Chỉ trong khoảng thời gian tối đa 30 phút với khoản vay dưới 10 triệu đồng và 1h với khoản vay trên 10 triệu đồng làm thủ tục là khách hàng đã được sở hữu sản phẩm. Thậm chí, thủ tục còn tối giản đến mức khó hiểu khi một số cửa hàng không yêu cầu khách hàng phải có giấy tờ thế chấp hay chứng minh tài chính hoặc không cần công chứng các loại giấy tờ.

“Ma trận” lãi suất

“Vì không có tiền để trả một lần nên tôi được giới thiệu sử dụng dịch vụ mua hàng trả góp. Lúc đó chỉ quan tâm đến số tiền phải trả ban đầu và số tiền trả mỗi tháng nên tôi đã mua xe Liberty của Cửa hàng xe máy Piaggio Thạnh Minh (TP Hà Tĩnh). Sau này tính ra mới vỡ lẽ là mình bị hớ khi giá trị của xe chỉ 57 triệu đồng nhưng phải trả đến gần 62 triệu đồng với lãi suất trung bình 32%/năm” - anh Lê Huy H. (TP Hà Tĩnh) cho biết. Trường hợp của anh H. không phải là hiếm gặp trong số những “nạn nhân” của mua hàng trả góp khi không được nhân viên bán hàng tư vấn kỹ về lãi suất.

Các sản phẩm đua nhau bán trả góp
Các sản phẩm đua nhau bán trả góp

Trong vai khách hàng muốn mua điện thoại di động Iphone 5S 16 GB với giá 16.990.000 đồng tại siêu thị Thế giới di động (Trần Phú - TP Hà Tĩnh), chúng tôi được giới thiệu về chương trình trả góp của công ty PPF: trả trước tối thiểu 30% giá trị sản phẩm tương ứng 5.077.000 đồng, số còn lại trả góp trong 6 tháng, mỗi tháng 2.547.000 đồng. Tính ra phải trả 3.369.000 đồng tiền lãi cho khoản vay 11.913.000 đồng, tương đương với lãi suất hơn 55%/năm (cao gấp 4 lần so với lãi cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng <13%/năm). Trong khi ở cửa hàng khác, cũng loại máy trên nhưng được bán với giá 15.799.000 đồng, trả trước tối thiểu 20% giá sản phẩm (3.160.000 đồng), nếu chọn gói trả trong vòng 12 tháng, mỗi tháng trả 1.674.000 đồng thì đến khi thanh toán xong, người mua phải trả tổng thể 23.248.000 đồng/15.799.000 đồng (tương đương 7.449.000 đồng tiền lãi) để mua 1 chiếc Iphone 5S 16 GB.

Càng đi sâu tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi càng lọt vào “ma trận” lãi suất và giá cả vì mỗi đơn vị kinh doanh và tổ chức tài chính liên kết có giá sản phẩm, mức giá tối thiểu phải trả ban đầu, lãi suất hàng tháng, phương thức thanh toán… khác nhau trên cùng một loại sản phẩm. Ở đơn vị này, người mua cần trả trước từ 0-70% với lãi suất 1,69-4%/tháng nhưng ở đơn vị khác, khách hàng cần trả trước 30-70% với lãi suất không cố định, phụ thuộc vào các yếu tố về số tiền vay, thời gian vay… Điều đặc biệt, đội ngũ nhân viên của các tổ chức tài chính hình như cố tình… “quên” tư vấn cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể, những khoản phạt nếu nộp không đúng hạn hoặc thanh lý hợp đồng trước thời hạn… mà chỉ khi khách hàng hỏi đến họ mới giải đáp, trong khi đa phần khách hàng khi mua trả góp thường không để ý đến những chi tiết này. Anh Lê Huy H. cho biết thêm: “Nhiều lúc đến hạn nộp tiền mà tôi chưa nộp được là có người gọi đến bằng giọng miền Nam nói sau 1 tuần không nộp thì phải chịu phạt 170 ngàn đồng, mặc dù khi mua xe không ai nói rõ cho tôi điều này”. Hoặc sau một thời gian trả góp, khách hàng muốn thanh toán luôn 1 lần trước thời hạn thì vẫn phải trả phí phạt nếu muốn thanh lý hợp đồng.

Trao đổi về những vấn đề khách hàng gặp phải sau khi mua hàng bằng hình thức trả góp, đại diện cửa hàng xe máy Bình Thủy (TP Hà Tĩnh) cho biết, ở hình thức này, cửa hàng chỉ làm việc với tổ chức tài chính liên kết còn không liên quan đến khách hàng, hợp đồng trả góp do tổ chức tài chính và khách hàng tự thỏa thuận. Hay khi trao đổi với ông Hoan - Quản lý siêu thị Thế giới di động khu vực Vinh - Hà Tĩnh thì được biết đơn vị chỉ cung cấp sản phẩm đến tay khách hàng, còn không nắm rõ về lãi suất cũng như không chịu trách nhiệm về lãi suất.

Vì tâm lí muốn nhanh chóng sở hữu món hàng ao ước, tin tưởng vào lời tư vấn của người bán hàng, người mua “choáng ngợp” bởi suy nghĩ chỉ phải bỏ ra vài triệu đã có chú “dế” mười mấy triệu, hay vài chục triệu là “rinh” về chiếc xe tay ga đắt tiền nên những bản hợp đồng với “loằng ngoằng” điều khoản thỏa thuận không được người mua tìm hiểu kỹ, khi vỡ lẽ thì không thể làm gì khác ngoài việc “nuốt nghẹn” làm theo hợp đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Hồng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Bán hàng trả góp là một hình thức kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi quyết định mua, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp cũng như tổng số tiền phải trả. Đặc biệt, cần đọc thật kỹ hợp đồng, quan tâm đến những điều khoản bất hợp lý để yêu cầu công ty bán hàng điều chỉnh hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ, tránh tình trạng mua giá quá cao so với giá trị thực tế của sản phẩm”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast