Mặt bằng lãi suất ổn định

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong tuần qua, có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay bằng Việt Nam đồng (VNĐ) vẫn ổn định.

Mặt bằng lãi suất ổn định ảnh 1
Mặt bằng lãi suất vẫn tiếp tục ổn định. Ảnh: Internet

Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Đối với lãi suất huy động bằng USD tại các tổ chức tín dụng, hiện phổ biến ở mức 0,25%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức.

Đáng chú ý, mặc dù có nhiều ý kiến lo ngại, việc tăng lãi suất huy động sẽ làm tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lãi suất cho vay bằng VNĐ vẫn ổn định.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất cho vay bằng USD cũng ổn định, hiện phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5-6,7%/năm.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Theo Hương Dịu/Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast