Mô hình kinh tế quy mô lớn tạo đà để Nghi Xuân bứt phá

(Baohatinh.vn) - Không phải là vựa lúa của tỉnh như Can Lộc hay Đức Thọ, nhưng không thể nói là Nghi Xuân không có những thế mạnh trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới. Những mô hình kinh tế quy mô lớn đã, đang xuất hiện chính là điểm tựa để huyện Nghi Xuân bứt phá và tăng tốc.

Nghi Xuân hiện có 75 mô hình kinh tế thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có 15 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng. 6 mô hình chăn nuôi lợn tại 2 xã Xuân Thành, Xuân Viên năm 2013 được đầu tư nâng quy mô từ 600 con lên 1.800 con. Từ thành công của các mô hình này, năm 2014, Nghi Xuân sẽ có thêm nhiều trang trại quy mô lớn được mở ra.

Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng Xuân Hội
Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng Xuân Hội

Nuôi trồng thủy sản cũng chẳng hề “thua chị kém em”, năm 2013 đã có thêm nhiều cá nhân và doanh nghiệp đầu tư với số tiền hàng tỷ đồng mở rộng ao đầm ương giống. Ông Trần Bách Quyền và Công ty TNHH Thông Thuận ở Cương Gián là 2 trong số đó. Đặc biệt ở lĩnh vực đánh bắt xa bờ, xã Xuân Hội đã hình thành thêm 3 đội tàu 7 chiếc. Rồi đây, cách đánh bắt truyền thống dùng 2 tàu kèm dần chìm vào quên lãng, khi phương pháp dùng lưới sải rộng - kinh nghiệm của các ngư dân tỉnh Nam Định được áp dụng đã cho hiệu quả đột phá. Thực tế, đội tàu của anh Nguyễn Đức Huy năm 2013 sau chuyến đi biển ngắn ngày, trừ chi phí, anh “đút túi” tròm trèm 700 triệu đồng. Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp này, sản phẩm thu được là những con cá thu trên 3 kg. Theo đánh giá của chuyên gia ngành thủy sản thì với cách đánh bắt này, loài cá nhỏ còn có khả năng sinh sôi nảy nở, nguồn thủy sản không bị tận diệt

“So với các huyện khác, Nghi Xuân cũng có những thiệt thòi, hạn chế. Nói như vậy không có nghĩa là Nghi Xuân không có những lợi thế khác. Khu vực ven núi Hồng Lĩnh, ven bờ sông Lam là những nơi để Nghi Xuân tập trung trong tương lai” - Phó phòng Nông nghiệp Nghi Xuân Lê Thanh Bình cho biết. Nhận rõ được tiềm năng của địa phương, những năm qua, huyện đã tập trung hoàn thiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại khu vực các xã: Xuân Lĩnh, Xuân Viên, Xuân Mỹ… với tổng diện tích lên đến 300 ha. Đồng thời khuyến khích các hộ mở rộng đầu tư các mô hình nuôi trồng thủy sản ven sông Lam và nuôi tôm trên cát. Hiện cảng cá đang được khẩn trương triển khai xây dựng, khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều hướng đi mới mà một trong số đó là các dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ được phát huy tối đa.

Tiềm năng, lợi thế đã thấy rõ, vấn đề là làm thế nào để biến những vùng đất “chết” thành hiện thực khi mà có rất nhiều khó khăn đối với các hộ. Ngoại trừ tư tưởng “ăn xổi” đã ăn sâu, bám rễ trong nhiều hộ dân thì trở ngại về nguồn vốn cũng khiến nhiều người dè dặt. Thêm nữa, địa phương lại nằm cận kề TP Vinh (Nghệ An) nên nhiều người không mặn mà đầu tư phát triển kinh tế mà chỉ chú trọng mở các ngành nghề TM-DV. Biết vậy, năm 2013, nguồn “hầu bao” eo hẹp, nhưng huyện cũng đã hỗ trợ 9 hộ nuôi lợn quy mô 200-500 con, mỗi hộ 50 triệu đồng. Có thể mức hỗ trợ 30 triệu đồng đối với mỗi tàu đánh bắt công suất 90 CV là nhỏ nhưng hiệu quả lớn hơn là các hộ cảm thấy được động viên rất nhiều vì nhận được sự hỗ trợ kịp thời của huyện. Đặc biệt, năm qua, các nguồn hỗ trợ lãi suất của tỉnh với số tiền lên đến trên 70 tỷ đồng giúp nhiều hộ có điều kiện mở rộng mô hình phát triển kinh tế.

Theo lời khẳng định của ông Bình thì “Năm 2014, Nghi Xuân sẽ đặt mục tiêu phấn đấu 7-8 mô hình doanh thu đạt trên 500 triệu đồng. 5 đội tàu đánh bắt xa bờ theo phương pháp mới, 5 mô hình nuôi tôm trên cát diện tích trên 2 ha. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của huyện Nghi Xuân là được các doanh nghiệp có thương hiệu lớn như Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh và các doanh nghiệp lớn khác cùng nhau hợp tác. Có như vậy, những mô hình kinh tế của huyện Nghi Xuân mới thực sự trở thành những cỗ máy “hái” ra tiền.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast