Mùa rươi...

(Baohatinh.vn) - Tháng chín âm lịch, khi sen rã hết trong hồ, khi đang đôi giọt mưa rơi rồi lại bắt đầu động nắng, thì đó, mùa rươi đã đến.

Mưa rươi thường không lớn, những cơn cứ chập chờn ẩn hiện, thoắt rơi, thoắt ngừng cứ như mời gọi, đánh thức loài rươi ngủ quên suốt cả năm ròng trong bùn đất ngoi lên. Bấy giờ, từ những vùng nước lợ, con hói, con đìa, rươi lên ngầu ngã. Mỗi khúc lại có một ‘trộ” rươi. Chúng bơi loạn xạ, rối rít, lăng xăng, quấn thành từng búi, trông như tơ hồng vậy...

mua ruoi

Chả rươi có mùi vị lạ kỳ khiến bất kỳ ai đã tiếp xúc đều rất khó cưỡng lại

Ngày xưa, cứ sắp nước rươi, trời đất lại sầm sì khó tả. Những ngày đó, các bà nội trợ lại bắt đầu chuẩn bị những thứ cần thiết để vào mùa rươi... Với chế biến món rươi, bà nội tôi là một cao thủ. Trước tiên phải kể đến món rươi xáo măng. Nấu với rươi, tốt nhất là chọn loại măng tre củ, cái thứ múp múp vừa nhú lên từ đất, đem thái mỏng, luộc qua cho bớt đắng, vắt kiệt, rê ra giữa rổ tre cho ráo nước rồi đem xào với rươi. Người Hà Tĩnh mình muốn có bát xáo rươi có vị ngọt đặm thì nhất định phải bỏ thêm một tí ruốc biển và không quên bỏ lá nghệ, tí ớt bột... Mùi thơm của lá nghệ, của rươi, vị nồng ấm của ớt sẽ làm bát xáo măng ngon đến tê tê đầu lưỡi.

Bà nội còn có món sở trường: rươi đúc chả. Rươi rửa sạch, để ráo. Chọn một cái nồi thật to, một cái cạu tre lỗ nhỏ đặt trên. Vừa múc rươi vào rổ, vừa chà để cho rươi nát, đánh thật nhuyễn với trứng vịt, miến gạo bóp vụn, lá nghệ, hành tăm, ớt, tỏi và nhất là không thể thiếu cái vỏ quýt tắt. Vỏ quýt tắt là loại quýt rừng, rất chua nhưng vỏ không đắng mà lại có vị thơm bền, thơm lâu và hợp với rươi kì lạ. Người thích béo ngậy thì rán dầu, rán mỡ. Người thích chay cháy, thơm thơm thì lót một ít lá chuối tươi dưới đáy chảo, đổ rươi vào, đậy vung kín riu riu lửa cho đến khi lớp lá chuối ruộm vàng là chả rươi cũng đã vàng ruồm ruộm. Thứ đó, chấm với nước mắm cốt... ngon không tả xiết.

Hồi trước, rươi nhiều, rẻ, bà nội còn kỳ công làm cả món ruốc rươi nữa. Bà nói, ruốc rươi người ta ngại làm. Một phần vì lâu công, lại không có nhiều để muối thành từng chum, từng vại lớn như ruốc tép. Cái thú làm ruốc rươi cũng vì thế mà trở trên sang chảnh. Rươi sau khi đã được làm lông (chần qua dăm ba lần nước đun sôi, để vãn bớt nóng cho sạch chân tua, đem để ráo) rồi cứ thế tán nhuyễn với muối cho vào hũ sành đem phơi nắng hoặc gác bếp. Hai ba tuần làm thô như thế, lại giở hũ sành ra đổ vào đó một ít rượu nếp trắng, một ít gạo thính đánh đều lên cho dậy mùi rồi lại bịt kín, lại chờ đợi. Đến 2 tháng sau lại mở ra, cho vào một ít bột gừng, một ít bột quýt tắt giã nhỏ, lại ủ... cho đến khi rươi chín hẳn. Ruốc rươi chín có màu đất đỏ, càng để lâu càng dậy mùi thơm, được dùng làm thức chấm các món thịt ba chỉ luộc, thịt hấp... hay chỉ ăn với cơm trắng nóng hổi thôi cũng đã ngon bội phần.

Gọi là mùa rươi nhưng thực ra chỉ có ít ngày rươi nổi. Đó là từ những ngày tháng 9 và tháng 10 âm lịch, có du di cũng là vào khoảng ấy, chẳng sai bao giờ. Nhưng có một sự lạ rằng, không ai biết được rươi sinh sản vào mùa nào, nó sống ra sao, hằng ngày, không ai có thể nhìn thấy nó. Chỉ biết rằng, khi xuất hiện, nó nổi đồng loạt trên mặt nước khoảng 1, 2 giờ, rồi đồng loạt biến mất. Không ai biết chắc chắn nó nổi ngày nào, giờ nào, ở đâu giữa mênh mông sông nước chiêm trũng nên dân tình cứ gọi “trộ rươi” là vậy. Có thể cùng một khúc sông, một con lạch nhưng chỗ này có rươi, chỗ kia không có cũng là lẽ bình thường.

Ở Hà Tĩnh, cái độ tháng 9, tháng 10 ở các vùng có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ như gần hạ lưu sông Lam: xã Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân) hay ở những cánh đồng ven sông La thuộc các xã Đức Yên, Đức Tùng, Liên Minh, Đức La (Đức Thọ) lại náo nức chờ đợi mùa rươi mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast