Ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm

(Baohatinh.vn) - Kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, mối nguy hại đã và đang đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế đã nhận định về các nguyên nhân kháng thuốc, trong đó, có nguyên nhân từ việc lạm dụng sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi và bảo quản thực phẩm.

PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này.

- Ông có thể cho biết thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi tại Hà Tĩnh như thế nào?

Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là mối hiểm họa đối với sức khỏe cộng đồng và vấn đề thương mại… Việc người chăn nuôi ngày càng lạm dụng thuốc kháng sinh, thiếu kiểm soát xuất phát từ một số nguyên nhân:

Thứ nhất, kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi qua thức ăn, nước uống để phòng, điều trị bệnh, kích thích tăng trọng cho gia súc, gia cầm.

Ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm ảnh 1

Cơ quan chức năng rất khó kiểm soát các chủ trang trại tuân thủ quy trình chăn nuôi, sử dụng các thuốc trong danh mục cấm. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thứ hai, việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh ở động vật như chọn thuốc, liều lượng, thời gian điều trị… đều chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của người chăn nuôi và những thông tin trên bao bì sản phẩm, dẫn đến sự thiếu kiểm soát.

Thứ ba, do điều kiện vệ sinh môi trường phức tạp, ô nhiễm, người chăn nuôi sử dụng kháng sinh để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.

Thứ tư, gia súc, gia cầm trước khi giết thịt được tiêm hoặc cho uống kháng sinh với mục đích kéo dài thời gian bảo quản, tránh hư hỏng.

Thứ năm, kháng sinh còn được cho thêm vào thức ăn gia súc, gia cầm để bảo quản thức ăn được lâu hơn, tiêu diệt vi sinh vật, tránh hư hỏng.

Thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có số lượng gia súc, gia cầm lớn với gần 200.000 con bò, 500.000 con lợn và hơn 6 triệu con gia cầm. Ngoài một số trang trại chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn, quy trình kỹ thuật đảm bảo, còn lại chủ yếu chăn nuôi gia trại, nhỏ lẻ với quy trình chưa đảm bảo, do đó, tình trạng người dân tự mua thuốc, tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm thuốc thú y để chữa trị, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vẫn còn phổ biến.

Tại các cơ sở giết mổ tập trung, qua các đợt thanh tra, kiểm tra, chưa phát hiện dấu hiệu sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản thịt.

Vừa qua, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn và tổ chức kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, không có chất cấm trong chăn nuôi là Salbutamol, Clenburerol.

Đối với việc tồn lưu kháng sinh trong động vật và sản phẩm động vật, đến thời điểm này, Hà Tĩnh chưa có những kết quả điều tra, đánh giá cụ thể về hàm lượng tồn lưu. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chuyên môn cấp cao hơn phối hợp để có những nghiên cứu cụ thể trên địa bàn Hà Tĩnh.

- Ngành NN&PTNT đã triển khai những biện pháp nào để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thưa ông?

Từ trước đến nay, chúng ta thực hiện quản lý thuốc thú y trên địa bàn là chủ yếu. Đồng thời, thành lập các đoàn và tổ chức kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở kinh doanh thuốc theo từng đợt; kiểm tra tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, việc quản lý thuốc thú y vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện, chủ yếu mới quản lý được các quầy thuốc có đăng ký, còn các loại thuốc đi theo đường tiểu ngạch rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, chăn nuôi ở Hà Tĩnh quy mô chủ yếu là gia trại, nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong thực hiện kiểm soát việc sử dụng kháng sinh của người dân.

Hiện nay, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp triển khai kiểm soát, ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bảo quản và vận chuyển thịt gia súc, gia cầm; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính, tiến hành công bố danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết…

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền sâu rộng, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về kinh doanh, sử dụng thuốc thú y; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, quy định về xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, tránh sử dụng thuốc thú y sai quy định.

Để thực hiện được mục tiêu này, cần giải pháp đồng bộ như một chuỗi liên kết, từ người quản lý, người sản xuất, kinh doanh đến người chăn nuôi và người tiêu dùng.

(Thực hiện)

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast