Nghi Xuân đánh thức tiềm năng

(Baohatinh.vn) - Nhằm đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương, huyện Nghi Xuân đã hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất tập trung gắn với việc ban hành các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn, có sức lan tỏa.

Bình minh trên biển

Bình minh trên biển

Mũi nhọn nuôi tôm

Từ bao đời nay, những bãi cát hoang dọc theo bờ biển như níu kéo cuộc sống bao khó khăn, vất vả của người dân bãi ngang huyện Nghi Xuân. Song, với bản tính cần cù, chịu khó, bà con các vùng quê ven chân sóng không chịu khuất phục trước gian khó, từng bước bứt mình ra khỏi những hạn chế nội tại bằng việc huy động nguồn lực, ứng dụng các thành tựu KHKT, đầu tư xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Thành công từ mô hình nuôi tôm trên cát bằng phương pháp vun đập, trải bạt nổi trên mặt đất của HTX Xuân Thành trên diện tích 3 ha tại xã Xuân Phổ đã đánh dấu bước đột phá trong phương thức nuôi tôm mới, giúp bà con vùng bãi ngang mạnh dạn khai thác tiềm năng vùng đất cát hoang hóa ven biển.

Nhớ lại những ngày đầu mới “lập nghiệp”, Chủ nhiệm HTX Xuân Thành – Hồ Quang Dũng cho biết: “Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi đầu tư 2,4 tỷ đồng thí điểm xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát bằng công nghệ cao. Để nắm chắc phần thắng, ngoài sự giúp đỡ tích cực của các chuyên gia kỹ thuật thủy sản đầu ngành, chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với Tập đoàn CP Việt Nam để được tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật, con giống”.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật nên ngay trong vụ đầu tiên, mô hình nuôi tôm trên cát của HTX Xuân Thành cho năng suất vượt trội (20 tấn/ha), không những giúp đơn vị thu hồi đủ vốn ngay mà còn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đủ điều kiện để hỗ trợ các hộ dân khác phát triển nuôi tôm. Thực tế 3 năm triển khai xây dựng mô hình cho thấy, nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về kỹ thuật thì không gì hiệu quả bằng nuôi tôm (năng suất 40 tấn/ha/năm, lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm, GQVL cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng). Thành công của HTX Xuân Thành đã khuyến khích những người cùng chí hướng ở Xuân Phổ, Xuân Trường, Xuân Đan và Cương Gián mạnh dạn đầu tư nuôi tôm trên cát với diện tích 39 ha, sản lượng bình quân từ 15–20 tấn/ha/vụ.

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Đặng Văn Tính chia sẻ, trên cơ sở quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ và vùng nuôi tôm trên cát đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện tiếp tục hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm trên cát tại các xã ven biển để có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Trước mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Thông Thuận triển khai dự án sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thương phẩm tôm he chân trắng tại xã Xuân Phổ, Cương Gián; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, cấp thoát nước ở một số vùng nuôi tôm trên cát áp dụng công nghệ cao có quy mô từ 20-50 ha ở Xuân Liên, Xuân Phổ và Xuân Đan. Đồng thời xây dựng trạm kiểm tra, kiểm dịch, cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản ở xã Xuân Đan.

Bên cạnh ưu tiên nguồn lực, đầu tư xây dựng các vùng nuôi tôm trên cát, huyện Nghi Xuân không quên phát triển vùng nuôi tôm trọng điểm 300 ha ở 4 xã dọc cuối sông Lam. Giờ đây, người dân cũng học kỹ thuật nuôi tôm trên cát, thông qua việc lót bạt hay vỗ bờ hồ nuôi bằng xi măng cẩn thận. Cùng với giải pháp nuôi tôm quảng canh cải tiến, các vùng nuôi này cho năng suất bình quân 5-7 tấn/ha.

Phát triển 3 vùng kinh tế

Gia đình anh Trần Huy Linh thu hoạch tôm xuân hè. Ảnh: Hữu Trung

Gia đình anh Trần Huy Linh thu hoạch tôm xuân hè. Ảnh: Hữu Trung

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Đặng Văn Tính khẳng định, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vị trí địa lý và những điều kiện thuận lợi do thiên nhiên ban tặng, huyện sẽ chú trọng phát triển 3 vùng kinh tế gắn với thế mạnh của mỗi địa phương trong lộ trình xây dựng NTM. Theo đó, vùng 6 xã ven chân núi Hồng Lĩnh sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, chăn nuôi công nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện xây dựng 43 trang trại chăn nuôi trâu bò, 37 trang trại chăn nuôi lợn, 39 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô mỗi trại từ 400-16.000 con vật nuôi. Địa phương sẽ khuyến khích các trang trại chăn nuôi tập trung liên kết với các công ty theo hình thức hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất. Trước mắt, mỗi xã thu hút đầu tư xây dựng 3 trang trại kiểu mẫu, quy mô từ 200 con lợn nái trở lên hoặc 1.000 con lợn thịt, 50 con bò trở lên.

Đối với khu vực phía Đông bắc, dọc theo 60 km bờ biển và bờ sông, huyện Nghi Xuân xây dựng chiến lược phát triển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Bên cạnh việc đưa nghề nuôi tôm làm mũi đột phá cho phát triển kinh tế của địa phương, Nghi Xuân tiếp tục xây dựng, củng cố đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với việc đầu tư xây dựng Cảng cá Xuân Hội, âu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, hình thành khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng đánh bắt thủy sản đạt 15.300 tấn, xây dựng các cơ sở chế biến hải sản đủ khả năng chế biến 1.500-2.000 tấn/năm, với giá trị sản xuất từ 120-150 tỷ đồng.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, một trong những ưu tiên hàng đầu của huyện trong chiến lược phát triển kinh tế đó là tận dụng tối đa lợi thế cửa ngõ phía Bắc của Hà Tĩnh và vùng phụ cận TP Vinh (Nghệ An) để tăng trưởng tỷ trọng lĩnh vực TM-DV-DL trong cơ cấu kinh tế địa phương. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Gia Lách và tiến hành quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, kinh doanh tại đây, huyện Nghi Xuân sẽ tiếp tục điều chỉnh các quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam bờ sông Lam, quy hoạch chi tiết khu đô thị 119 ha tại thị trấn Xuân An gắn với việc điều chỉnh và mở rộng các khu du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn nhằm hiện thực hóa mục đích xây dựng đô thị vệ tinh làm đầu mối liên kết giữa các khu vực phát triển kinh tế năng động trong và ngoài tỉnh với các địa danh văn hóa, lịch sử, du lịch, các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Hướng đi tuy rõ, nhưng để đón đầu được cơ hội và các chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Nghi Xuân cần duy trì sức mạnh đoàn kết, quyết tâm và đồng thuận cao trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, huyện phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, giữ vững ổn định TTATXH…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast