Nghịch lý... nỗi lo

(Baohatinh.vn) - Một nghịch lý luôn tồn tại ở Công ty CP May Hà Tĩnh là không có việc làm cũng lo, nhưng đơn đặt hàng nhiều cũng không tránh khỏi cảm giác này. Vòng luẩn quẩn cứ thế, ngay cả khi doanh thu quý 1 năm nay tăng đột biến vẫn không làm đội ngũ lãnh đạo nhà máy… vui lên được…

3 năm gần đây, doanh thu ở Công ty CP May Hà Tĩnh liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước và dao động 19 tỷ đồng (năm 2011) đến gần 26 tỷ đồng (2013). Đây là kết quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ lãnh đạo công ty trong việc tìm kiếm đối tác, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Công ty đang hướng đến mục tiêu tăng thu nhập cho người lao động
Công ty đang hướng đến mục tiêu tăng thu nhập cho người lao động

Khác với mọi năm, năm nay, hai đối tác là Công ty CeBec Nhật Bản và Pacipic (Đài Loan) đã dành cho Công ty CP May Hà Tĩnh sự ưu ái đặc biệt với rất nhiều sản phẩm các loại. Bởi vậy, quý 1 khép lại với doanh thu hơn 5,5 tỷ đồng, nhiều người cho rằng, đó là con số vượt trội. Thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời điểm công nhân ngành may “ngồi chơi xơi nước” do dịch vụ may mặc trên thế giới “chuyển mốt” nên mẫu mã và kế hoạch mới đang được cân nhắc.

Giám đốc Công ty Bùi Tất Thắng cho biết: Có 4 tiêu chí quan trọng nhất để thuyết phục đối tác ký kết hợp đồng, đó là uy tín, chất lượng, thời gian giao hàng, trình độ quản lý nguyên phụ liệu. Không đáp ứng được một trong các yếu tố trên cũng có nghĩa là phải nhường “sân” lại cho đối tác khác. “Hà Tĩnh đang gia công theo đơn đặt hàng của Nhật Bản - một đối tác luôn đòi hỏi khắt khe các yếu tố trước khi ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng lớn này cũng đồng nghĩa với nỗi lo lớn hơn.

Khó khăn nhất hiện nay ở Công ty CP May Hà Tĩnh chủ yếu là con người. Hay nói cách khác là trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực. Hiện tại, Công ty có 464 người, chủ yếu là lao động trực tiếp. Trong số này không ai biết chính xác có bao nhiêu người gắn bó lâu dài với Công ty, chỉ biết rằng, thời điểm mùa vụ rộ lên từ tháng 4 trở đi, đội ngũ lãnh đạo lại “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi tuyển dụng thêm lao động bù vào số người “ra đi không hẹn ngày trở lại” từ sau Tết Nguyên đán.

Tuyển được lao động đã khó, giữ lao động khó hơn nhiều vì phải có thu nhập để người lao động đảm bảo cuộc sống. Đó là chưa nói đến việc lao động mới vào nghề phải qua quá trình đào tạo mới có thể đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của đối tác. Công ty đang hướng đến mục tiêu tăng thu nhập lên 2,8 triệu đồng/người/tháng trong năm 2014.

Để giữ chân người lao động, nâng cao thu nhập, yêu cầu đặt ra đối với Công ty là nâng doanh thu. Khi nguồn nhân lực thiếu hụt và người lao động đang nặng tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” thì đảm bảo thực hiện hợp đồng là rất khó. Theo tính toán, để đảm bảo sự phát triển và có lợi nhuận, doanh nghiệp phải có khoảng 3.000 lao động và cần khoảng 50 tỷ đồng để mua sắm thêm trang thiết bị nâng cao năng suất lao động. Ngặt nỗi, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn là bài toán khó của doanh nghiệp. Thế nên, vòng luẩn quẩn cứ xoay quanh, tạo áp lực rất lớn đến đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên toàn công ty.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast