Nguy cơ “vỡ kế hoạch” thu thuế khối ngân hàng

(Baohatinh.vn) - Số liệu từ Cục Thuế tỉnh cho thấy: 9 tháng năm 2014, 29 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ nộp được trên 4,7 tỷ đồng tiền thuế và phí, đạt 23% kế hoạch năm. Thời gian tới, nếu không có sự đột phá, việc “vỡ kế hoạch” thu ngân sách từ khối kinh tế này của ngành Thuế trong năm nay đang ngày càng hiện hữu…

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh có 42 đầu mối, các tổ chức tín dụng liên quan đến công tác kinh doanh tiền tệ. Trong đó có 13 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp I, 16 chi nhánh loại 3 của ngân hàng No&PTNT, 27 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 1 ngân hàng chính sách xã hội với 11 phòng giao dịch cấp huyện, thị xã và 1 phòng giao dịch ngân hàng HTX chi nhánh Nghệ An.

Nguy cơ “vỡ kế hoạch” thu thuế khối ngân hàng ảnh 1

Các chỉ số kinh doanh của các NHTM tăng trưởng khá nhưng kết quả nộp ngân sách đạt thấp.

Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chung của ngành, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng thời, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô… Năm 2013, khối kinh tế này đã đóng nộp cho ngân sách Hà Tĩnh trên 10 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm trước.

Tuy nhiên, hơn 2/3 thời gian của năm 2014 đã đi qua, song các hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ nộp được trên dưới vài chục phần trăm thuế, phí. Điều đáng suy ngẫm là các chỉ số về nguồn vốn, dư nợ, dịch vụ của khối kinh tế này những tháng đầu năm nay vẫn có sự tăng trưởng so với đầu năm. Theo kế hoạch, mức thuế, phí của khối ngân hàng trên địa bàn sẽ phải thực hiện trong cả năm 2014 là 21.104 triệu đồng. Thời gian không còn nhiều, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để khối kinh tế này hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách nếu không có sự bứt phá.

Số liệu từ Cục Thuế tỉnh cho thấy, đến hết 30/9/2014, 29 chi nhánh ngân hàng trên địa Hà Tĩnh chỉ nộp được vỏn vẹn 4,749 tỷ đồng tiền thuế và phí, đạt 23% kế hoạch năm. Trong đó, một số chi nhánh ngân hàng thực hiện nhiệm vụ nộp thuế và phí chỉ “lèo tèo” một vài phần trăm so kế hoạch như TMCP Hàng hải Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh nộp 2/1.002 triệu đồng (đạt 1% kế hoạch); TMCP Bắc Á chi nhánh Hà Tĩnh 3/611 triệu đồng; TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Hà Tĩnh 53/1.301 triệu đồng cũng chỉ đạt vài ba phần trăm kế hoạch…

Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính trên địa bàn, nguyên nhân sụt giảm nguồn thu ngân sách là bởi sự đình trệ của SXKD, không thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, trong khi đó, các ngân hàng phải trả lãi cho một lượng lớn vốn tiết kiệm của xã hội đã kéo hiệu quả của các ngân hàng giảm theo. Chưa kể mặt bằng lãi suất liên tục giảm, khiến chênh lệch lãi biên ngày càng thu hẹp. Tổng giám đốc một ngân hàng ở TP Hà Tĩnh lý giải: lãi suất giảm quá nhanh đã tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động chung của các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng lại phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản mục vay. Theo đó, sau khi lấy doanh số trừ chi phí, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Ông Phạm Công Huấn - Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2013, sở dĩ chúng tôi nộp thuế, phí cao là do đơn vị còn triển khai thu phí bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán, tạm ứng, dự thầu… - PV). Năm nay, đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch nộp thuế một phần là do Bắc Á không còn thu phí bảo lãnh. Bên cạnh đó, tình hình SXKD của các thành phần kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và toàn quốc nói chung có phần kém sôi động nên ít nhiều tác động đến các chỉ tiêu hoạt động của đơn vị, trong đó có kế hoạch nộp thuế”.

Đến thời điểm hiện tại, tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Tĩnh đã vượt kế hoạch, đạt hơn 8.000 tỷ đồng HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu từ nội địa hơn 3.026 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 5.056 tỷ đồng. Từ thực tế đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu tổng thu thuế cho cả năm nay dự kiến 11-12.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiên này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan và khối ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast