Nhiều đối tượng được hưởng lợi từ các chính sách mới

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã ban hành đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn. Để các chính sách thực sự sát đúng thực tiễn, ngày càng đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định (QĐ) 09, 11 sửa đổi, bổ sung các QĐ 24, QĐ 26. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh về những điểm mới trong các chính sách này.

- Xin ông cho biết những điểm mới trong QĐ 11/2013/QĐ-UBND và QĐ 09/QĐ-UBND?

QĐ 11, 09 được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm quy mô, mở rộng đối tượng và tăng mức hỗ trợ. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý, như: Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách: bổ sung Điều 10a hỗ trợ đối với người sản xuất nấm (trước đây sản xuất nấm không thuộc diện hưởng chính sách theo QĐ số 24, 26); các hộ nghèo, cận nghèo thuộc vùng khó khăn theo QĐ 30/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu chăn nuôi lợn có quy mô từ 15-20 con được hỗ trợ để xây dựng bể biogas và xử lý chất thải (QĐ 24 trước đây chỉ hỗ trợ đối với vùng tái định cư) và được vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng bể biogas, công trình vệ sinh hộ gia đình và công trình nước sạch (QĐ 26 không hỗ trợ đối tượng này). Bổ sung đối tượng cơ sở chăn nuôi lợn thịt mở rộng quy mô đạt từ 500 con trở lên thì được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở (trước đây chỉ hỗ trợ xây mới, không hỗ trợ mở rộng quy mô)...

QĐ 11 tăng mức hỗ trợ đối với đóng mới tàu cá công suất 250 CV trở lên được ngân sách hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm; đóng mới tàu cá công suất 90 đến dưới 250 CV được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm
QĐ 11 tăng mức hỗ trợ đối với đóng mới tàu cá công suất 250 CV trở lên được ngân sách hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm; đóng mới tàu cá công suất 90 đến dưới 250 CV được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm

Mức hỗ trợ tăng lên: hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận trang trại 5 triệu đồng/trang trại (QĐ 24 hỗ trợ 3 triệu đồng); hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào (đối với cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 500 con trở lên) 200 triệu đồng/cơ sở (QĐ 24 hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở). Đóng mới tàu cá công suất 250 CV trở lên được ngân sách hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm (QĐ 24 chỉ hỗ trợ 100 triệu đồng/năm); đóng mới tàu cá công suất 90 đến dưới 250 CV được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng/năm/ tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm (QĐ 24 chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng/năm). Sản xuất giống sản phẩm chủ lực của tỉnh và đóng mới tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên được hỗ trợ 70% lãi vay (QĐ 26 chỉ hỗ trợ mức chênh lệch lãi vay giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách).

Giảm quy mô sản xuất, điều này có nghĩa là thêm nhiều người dân sản xuất, kinh doanh được tiếp cận với chính sách, cụ thể: Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP (được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận): sản xuất rau, củ, quả quy mô 0,2 ha trở lên; sản xuất lạc quy mô 0,2 ha trở lên; sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô 5 ha trở lên; sản xuất bưởi Phúc Trạch, cam chất lượng cao quy mô 0,2 ha trở lên (QĐ 26 quy mô 0,5 ha); sản xuất chè quy mô 1 ha trở lên; trồng hoa quy mô 0,1 ha trở lên (QĐ 26 quy mô 0,2 ha). Nuôi hươu có quy mô 5 con trở lên, chăn nuôi bò có quy mô 5 con/hộ trở lên, trồng cao su quy mô từ 0,5 ha trở lên... (so với QĐ 26, quy mô các mô hình giảm hơn một nửa).

Ngoài ra, còn rất nhiều tiểu tiết khác được bổ sung, sửa đổi. Hiện nay, các quyết định đã được phổ biến đến tận xã và đăng tải trên các trang thông tin điện tử của Sở NN-PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh.

QĐ 11 bổ sung điều 10a về hỗ trợ kinh phí sản xuất, chế biến nấm
QĐ 11 bổ sung điều 10a về hỗ trợ kinh phí sản xuất, chế biến nấm

- Như vậy, theo các QĐ 09, 11 sẽ có nhiều hộ gia đình được hỗ trợ hơn so với các QĐ trước đây. Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu của chính sách mới này?

Đúng như vậy, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm mở rộng hơn đối tượng được hưởng lợi, mặt khác phù hợp hơn với quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa trước mắt hiện nay. Mục tiêu lâu dài của chính sách này là: khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, nhất là sản xuất hàng hóa quy mô lớn; từng bước giải quyết thách thức lớn nhất của nông nghiệp hiện nay đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường, số lượng chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều. Thông qua việc thực hiện các chính sách đẩy mạnh việc liên kết “4 nhà” nhằm giúp nông dân sản xuất hiệu quả, bền vững.

Chính sách mới sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển hơn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập cho cư dân nông thôn, là “cái gốc” trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh nhà. Sản xuất quy mô lớn phát triển, sẽ thúc đẩy loại hình tổ chức sản xuất HTX, tổ hợp tác, kinh tế trang trại phát triển.

Để các chính sách mới bổ sung sớm đi vào cuộc sống, trách nhiệm của chính quyền cơ sở (huyện, xã) là phải tăng cường tuyên truyền thường xuyên, liên tục để người dân biết tiếp cận chính sách; tạo điều kiện về thủ tục đất đai, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast