Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

(Baohatinh.vn) - Có thể nói, sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, đội ngũ doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh đã tìm lại được... chính mình ở vị trí cách đây 3 năm. Đây là tín hiệu mừng sau một thời gian dài chờ đợi. Đồng thời là thành quả minh chứng cho mọi nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có các quyết sách ban hành đồng bộ và kịp thời của cấp ủy, chính quyền.

“Dự kiến, hết năm 2013, Hà Tĩnh sẽ thành lập được 510 DN. Tốc độ tăng trưởng này chỉ bằng năm 2010 nhưng 2 năm qua không chỉ giẫm chân tại chỗ mà còn có nhiều DN bị buộc phải giải thể thì đây là con số ấn tượng. Trong khi tốc độ các DN mới thành lập bình quân cả nước chỉ trên 5%, Hà Tĩnh đạt 18%” - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT Nguyễn Duy Trà khẳng định.

Nhờ được tiếp cận kịp thời các giải pháp hỗ trợ, Công ty CP Nhựa - Bao bì Vinh (đóng trên địa bàn Nghi Xuân) hoạt động ngày càng hiệu quả.
Nhờ được tiếp cận kịp thời các giải pháp hỗ trợ, Công ty CP Nhựa - Bao bì Vinh (đóng trên địa bàn Nghi Xuân) hoạt động ngày càng hiệu quả.

Đánh giá về tốc độ phát triển nhanh của các DN trên địa bàn, Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho rằng: “Việc triển khai các khu cụm công nghiệp, đặc biệt, Khu kinh tế Vũng Áng là đòn bẩy kích thích các ngành nghề dịch vụ tăng tốc. Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn tạo điều kiện cấp đất và chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong những năm qua, khiến nhiều hộ tham gia chuyển đổi mô hình SXKD gia đình thành các tổ hợp, HTX hay thành lập mới DN”. Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời Kế hoạch số 59 ngày 29/3/2013 để triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ lãi suất thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tín dụng của tỉnh và T.Ư cho 6.042 khách hàng với tổng doanh số vay đạt 847,710 tỷ đồng.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh hạ lãi suất các món nợ cũ trên 15%/năm xuống mức tối đa 15%/năm cho 5.005 khách hàng; đồng thời tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất các món dư nợ cũ có lãi suất 15%/năm về mức tối đa 13%/năm cho hơn 75.000 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, số lãi vay khách hàng được giảm là 36,2 tỷ đồng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị; cập nhật 100% văn bản quy phạm pháp luật trên các trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và các ngành để các DN, HTX, người dân truy cập và triển khai thực hiện.

Công nhân Công ty CP Nước khoáng và Du lịch Sơn Kim tại dây chuyền sản xuất.
Công nhân Công ty CP Nước khoáng và Du lịch Sơn Kim tại dây chuyền sản xuất.

Đáng chú ý là một cửa ở Sở KH-ĐT thay vì kéo dài từ 15 ngày cho 1 lần đăng ký thủ tục được rút ngắn 7 ngày, rồi 5 ngày. Không chỉ rút ngắn thời gian, người dân hay DN làm thủ tục còn được “khuyến mãi” mã số thuế mà không phải đến cơ quan thuế làm thủ tục. Những năm qua, tỉnh còn ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các khu cụm công nghiệp nhằm thu hút thêm các DN và hỗ trợ các DN, HTX đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, đã có 1.500 học viên được tập huấn khởi sự DN, 4.484 đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ cận nghèo… được đào tạo nghề.

Những tác động tích cực từ nhiều phía đã làm sáng lên bức tranh DN vốn ảm đạm kéo dài nhiều năm qua. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3.122 DN; 11 tháng đầu năm thành lập mới 469 DN và dự kiến kết thúc năm 2013 sẽ có thêm 510 DN mới được thành lập. Tuy vậy, không thể nói là chặng đường đi tới của DN đang đà thuận lợi mà vẫn còn những khó khăn, thách thức: kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất tuy giảm nhưng tiếp cận được nguồn vốn vay còn nhiều trở ngại, dư nợ tín dụng tăng chậm; sức tiêu thụ giảm, lượng hàng tồn kho lớn… Bởi vậy, cùng với duy trì và phát huy những yếu tố tích cực, tỉnh và ngành chức năng sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển DN đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ các dự án trọng điểm, các dự án sử dụng: công nghệ cao, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng nhiều lao động…

Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút trong và ngoài nước; thành lập BCĐ để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, ghi nhớ đầu tư với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hà Tĩnh đang trên đà hội nhập một cách mạnh mẽ và sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn với DN tỉnh nhà. Vì vậy, để đứng vững và phát triển, các DN cần phải hoạch định chiến lược SXKD, tái cấu trúc DN để phát triển bền vững; tập trung vào các yếu tố nâng cao năng suất lao động, áp dụng và làm chủ tiến bộ KHKT công nghệ; đa dạng hóa các nguồn vốn để không lệ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng; đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ, hình thành các DN mạnh tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung đầu tư các lĩnh vực tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast