Nhiều khó khăn, hệ lụy do công trình hạ tầng xuống cấp sau lũ

(Baohatinh.vn) - Cầu cống bị sập, nước lũ cuốn trôi; hồ đập thủy lợi sạt lở, hư hại nặng nề khiến tình hình sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng nông thôn Hà Tĩnh bị xáo trộn...

Công trình thủy lợi xuống cấp

Đập Thùng Trứa ở xã Hương Trạch (Hương Khê) đã xuống cấp từ lâu, sau 2 đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua lại càng hư hại nặng nề. Hiện công trình đã bị xói lở đường quản lý, rò rỉ nước qua thân đập, xói lở tràn đập… Điều đáng nói là đập nằm ở độ cao khá lớn, nếu không được tu bổ kịp thời, sự cố xảy ra, nguy cơ vỡ đập cao, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du.

nhieu kho khan he luy do cong trinh ha tang xuong cap sau lu

Cầu Nguyên Mút (xã Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên) bị gãy sập, nhân dân địa phương phải nối tạm 1 đoạn cầu gỗ để đi lại.

Không chỉ đập Thùng Trứa mà nhiều công trình thủy lợi thuộc huyện Hương Khê đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lê Quang Vinh cho biết: “Số lượng công trình thủy lợi của địa phương nhiều, quy mô nhỏ, xây dựng từ lâu và chủ yếu bằng phương pháp thủ công, do kinh phí khó khăn nên không được tu bổ thường xuyên… do đó, hiện nay, đa phần đều đã xuống cấp. Đặc biệt, vừa qua, Hương Khê phải gánh chịu 2 cơn lũ liên tiếp khiến các công trình xuống cấp nghiêm trọng. Nứt thân đập, rò rỉ nước, cống đập, hệ thống dẫn nước bị hỏng, xói lở đập… là tình trạng khá phổ biến hiện nay”.

Đập Làng (xã Hương Thủy) do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý. Các đợt mưa lũ vừa qua, hạ lưu tràn bị xói lở nặng, ăn sâu đường vào nhà dân. Nếu không được khắc phục sớm, lũ lụt xảy ra, đường bị xói lở là điều không thể tránh khỏi. Được biết, công ty đang quản lý 21 hồ đập trên địa bàn huyện Hương Khê và nhìn chung đều bị hư hỏng nặng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình tích nước, vận hành của các hồ chứa; ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đáng nói hơn, hệ thống kênh chính đã hư hỏng nhiều năm nay, lại bị ngập lụt, bồi lắng, sạt lở, trong khi kinh phí sửa chữa hạn chế nên khó đáp ứng nhu cầu phục vụ nước tưới cho sản xuất vụ xuân 2017.

nhieu kho khan he luy do cong trinh ha tang xuong cap sau lu

Cầu sập, hoạt động giao thông trên tuyến đường liên xã Giang – Trung (Hương Sơn) bị chia cắt sau 2 đợt lũ vừa qua.

Khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng các công trình thủy lợi xuống cấp, đặc biệt sau lũ là “mẫu số chung” ở nhiều địa phương, trong đó, tập trung ở các địa bàn miền núi như: Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Sơn… Theo báo cáo, đợt mưa lũ từ ngày 12 - 16/10, toàn tỉnh có 1.515m đê kè bị sạt lở; 46.452m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng; 61 trạm bơm bị hư hỏng. Đợt mưa lũ từ ngày 29/10 - 2/11 lại khiến 4.883m đê, kè bị sạt lở; 1.745m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng; 43 cầu, cống, đập bị trôi và hư hỏng.

Hạ tầng giao thông hư hại

Chưa bao giờ xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai như năm nay. Nhiều công trình giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh và sản xuất. Cầu Cồn Dâu ở xóm 4 bị nước cuốn trôi; cầu Nguyên Mút ở xóm 5 bị gãy mấu cầu và sập; cầu Làng Bến Đá nối xóm 2 và 12 bị sạt lở 2 mấu, gây lún giữa cầu... Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân đóng góp ngày công làm cầu tạm bằng gỗ để đi lại...

Thiên tai đi qua đã gây khó khăn cho đời sống và hoạt động giao thương của người dân xã Sơn Giang (Hương Sơn). Theo ông Võ Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, cầu liên xã Giang – Trung bị sập khiến người dân các xã Sơn Giang, Sơn Trung và Sơn Lâm không thể đi lại như trước. Ngoài ra, một số tuyến đường khác cũng chịu tác động xấu do mưa lũ. Tại xã Sơn Hồng, đường dẫn mố cầu tràn Khe Đồn bị nước cuốn trôi; cầu Trốc Vạc ở xã Sơn Kim 2 bị cuốn trôi hoàn toàn đường đầu cầu...

nhieu kho khan he luy do cong trinh ha tang xuong cap sau lu

Đập Làng (xã Hương Thủy) hạ lưu tràn bị xói lở nặng, ăn sâu đường vào nhà dân.

Theo Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh, đợt mưa lũ từ ngày 12 - 16/10 đã tác động nặng nề tới kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông. Theo đó, đã có trên 162.295 m3 đất, đá, bê tông, nhựa đường bị sạt lở; 91.687m đường bị sạt lở, hư hỏng; 285 cầu cống bị xói lở, hư hỏng. Còn đợt mưa lũ từ ngày 29/10 - 2/11 khiến trên 6.768 m3 đất, đá, bê tông, nhựa đường bị sạt lở; 4.500m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng.

Ông Lê Quang Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ:

“Sau mưa lũ, địa phương bị hư hại nhiều cây cầu, 188m kênh mương nội đồng bị cuốn trôi hoàn toàn. Hiện tại, muốn xây dựng lại kênh mương phục vụ sản xuất, xe chở vật liệu buộc phải đi qua cầu, trong khi kinh phí sửa chữa cầu lớn, địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện. Chính quyền và nhân dân xã Cẩm Mỹ mong muốn cấp trên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để có thể nhanh chóng sửa chữa, xây dựng lại cầu phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân cũng như đảm bảo các hoạt động sản xuất, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”.

Ông Trịnh Xuân Cần - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh:

Nhìn chung, các công trình thủy lợi do công ty quản lý đều bị tác động lớn sau 2 trận mưa lũ vừa qua. Với những hư hại này, công ty chịu trách nhiệm huy động nguồn nhân lực của đơn vị và phối hợp chính quyền địa phương kêu gọi người dân tham gia lao động công ích. Tuy nhiên, địa phương còn khó khăn trong vấn đề điều động nhân lực nên thời gian hoàn thành sẽ bị kéo dài. Riêng với những hư hại lớn, công ty sẽ dùng nguồn sửa chữa thường xuyên để xử lý, tuy nhiên, nguồn của năm 2016 đã sử dụng hết và năm 2017 chưa được duyệt nên hiện công ty chưa có kinh phí. Chúng tôi đang khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh, đề nghị tỉnh bổ sung kinh phí để sớm khắc phục tình trạng này.

Ông Bùi Trường Giang - Chuyên viên Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

Chất lượng các công trình xuống cấp đã kéo theo nhiều hệ lụy. Đối với những hư hỏng nhỏ, chính quyền địa phương đã có biện pháp khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, các công trình bị hư hỏng nặng, chúng tôi đang tổng hợp số liệu từ các địa phương, đơn vị để báo cáo UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, kiến nghị cấp trên xem xét, bố trí kinh phí để các địa phương, đơn vị có nguồn lực đầu tư, tu bổ, xây dựng mới các công trình, tránh trường hợp xuống cấp kéo dài dẫn đến hư hỏng hoàn toàn.

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast