Những con đường doanh nhân

(Baohatinh.vn) - Chỉ là “lát cắt” trong hàng ngàn doanh nhân nhưng 3 gương mặt dưới đây đã góp phần quan trọng trong thành công của Hà Tĩnh năm 2014. Mặc dù con đường thành công của mỗi doanh nhân có nhiều điểm khác nhau nhưng đều hội tụ tại một điểm là tâm huyết với con người và mảnh đất họ đang đứng chân...

1. Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam nhưng ông Shih Kun Wang (tên thường gọi là Athi) - Giám đốc Công ty Thương mại Anh Bảo vẫn “ngán” khi nói về khí hậu của vùng đất từng được mệnh danh “chảo lửa, túi mưa” - nơi công ty đang đứng chân: xã Kỳ Liên (Kỳ Anh). Thế nhưng, năm nay, Athi không về quê hương mà ở lại Việt Nam ăn tết. “Tết Việt cũng giống như ở Đài Loan thôi. Ở đâu dễ làm ăn, gắn bó thì ở đó là quê hương” - Athi bộc bạch.

Những con đường doanh nhân ảnh 1

Khu nhà ở cao cấp do Athi làm chủ được các chuyên gia nước ngoài thuê sử dụng.

Có vẻ như sản xuất, chế biến gỗ là “sở đoản” nên 20 năm mở cơ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa “ra tấm ra món” - theo như cách nói của Athi. Bởi vậy, nhận lời mời từ Tập đoàn FORMOSA, năm 2009, Athi triển khai xây dựng khu Trung tâm Thương mại Anh Bảo trên khuôn viên 3,4 ha tại xóm Liên Phú, với tổng mức đầu tư 7 triệu USD. Vùng đất vốn chỉ có cát trắng và cỏ dại trở thành một khu vực sầm uất từ khi có sự hiện diện của Công ty Anh Bảo và đã thu hút hơn 600 chuyên gia, công nhân đến từ các nước: Hàn Quốc, Đài Loan...

Nhận thấy miền đất “hứa” có nhiều tiềm năng, ngày 7/12/2014, Công ty CP Thương mại Anh Bảo và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Vũng Áng làm lễ động thổ xây dựng khách sạn 5 sao Vũng Áng Plaza và hàng loạt công trình khác trị giá 15 triệu USD (tương đương 310 tỷ đồng). Với một doanh nghiệp (DN) có bề dày kinh nghiệm trong quản lý các nhà hàng, khách sạn ở Đài Loan, trong tương lai, cơ sở này sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho Công ty Anh Bảo. Đặc biệt, khi đi vào hoạt động, không chỉ góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh mà còn tạo cơ hội việc làm cho 250 lao động với mức lương ưu đãi. Quá trình triển khai xây dựng, mở rộng đầu tư, Athi rất hài lòng vì nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, BQL các khu kinh tế Hà Tĩnh. Chỉ có điều, “khí hậu khắc nghiệt và thiếu hụt công nhân lành nghề trong xây dựng công trình cao cấp đang là thách thức lớn”, Athi nhấn mạnh.

2. Gắn bó với sự nghiệp “tam nông” hơn 30 năm nhưng ngọn lửa đam mê vẫn luôn bùng cháy trong ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh. “Có thể họ (người nông dân) là thành phần khó khăn, vất vả nhất, nhưng điều tự hào là tôi làm bạn được với 80% dân số Hà Tĩnh” - Giám đốc Hùng thẳng thắn bày tỏ. Sinh ra trong một gia đình làm tiểu thủ công nghiệp ở xã Trường Sơn (Đức Thọ) nhưng ông vẫn luôn tự nhận, gốc gác là một… “hai lúa” chính hiệu.

Năm 1983, ra trường, chàng kỹ sư trẻ chuyên ngành quản lý thủy nông Trần Quốc Hùng cảm thấy mãn nguyện khi nhận công tác tại Trạm thủy nông Can Lộc. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, từ vị trí nhân viên kỹ thuật, làm phó phòng rồi trưởng phòng thiết kế dự án xây dựng kênh mương nội đồng, đến phó giám đốc, rồi giám đốc, ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm: làm thế nào để bà con nông dân bớt vất vả.

Cũng vì quan điểm đó, những phương án tưới tiết kiệm trong mùa hè kéo dài được “nhà thiết kế” Trần Quốc Hùng tính toán kỹ lưỡng; các giải pháp dùng bơm “di động” cứu lúa, hoa màu trước nguy cơ ngập úng đều xuất phát từ chữ tâm. Cho đến nay, những đoạn kênh mương bị hỏng, sạt lún vẫn lưu dấu chân ông. Đơn giản là “phải đến tận nơi kênh mương hay các hạng mục khác của công trình bị hỏng mới có hướng khắc phục, sửa chữa hiệu quả” - ông Hùng chia sẻ. Cho đến nay, đập Vực Trống (Can Lộc), hồ Thiên Tượng (TX Hồng Lĩnh) nhờ được đầu tư sửa chữa kịp thời nên không còn hiện tượng rò rỉ, thất thoát nước. Vì vậy, các xã tham gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là triển khai mô hình cánh đồng mẫu có thể an tâm với phần việc của mình” - Giám đốc Trần Quốc Hùng cho biết thêm.

3. Một người nước ngoài còn muốn gắn bó lâu dài, thì chẳng có lý do gì để một doanh nhân thành đạt ở xứ người “quay lưng” với nơi mình đã sinh ra. Đó là Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty Nhựa - Bao bì xuất khẩu Vinh (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 2/1992, anh nhập ngũ và nhận nhiệm vụ tại Bộ CHQS Hà Tĩnh. Nhờ năng động, chịu khó và đặc biệt là có “năng khiếu” trong lĩnh vực kinh doanh nên năm 1996, Hải được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 điều động làm việc tại Phòng Kinh tế Quân khu 4. Năm 1998, anh lại được chuyển về Công ty Nhựa bao bì Vinh - tiền thân của Nhà máy Bao bì Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 ngày nay.

Chỉ 6 năm làm việc, anh được bổ nhiệm làm giám đốc khi mới ngoài 30 tuổi. Từ khi có người vững vàng “chèo lái”, hoạt động của nhà máy đi lên trong thế… “chẻ tre”. Năm 2003, nhà máy là một trong 4 đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động theo mô hình cổ phần hóa trong quân đội, với số vốn điều lệ 15 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước chiếm 51%, còn lại là của CBCNV và người lao động. Năm 2010, cổ phiếu công ty lần đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán với số vốn điều lệ tăng lên 30 tỷ đồng.

Từ thành quả đạt được, năm 2009, Công ty quyết định mở rộng địa bàn đầu tư nhằm tăng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Ý tưởng này được Giám đốc Hải ấp ủ từ lâu và anh đã chọn thị trấn Xuân An làm địa bàn để mở rộng nhà máy. Đây là địa điểm gần với công ty (phường Bến Thủy - TP Vinh), lại là nơi có vị thế khá đẹp. Và ít người biết đó còn là tâm niệm “làm một việc gì có ý nghĩa đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình” - Giám đốc Hải bật mí. Năm 2012, DN nộp ngân sách 7 tỷ đồng; năm 2014 nộp hơn 13 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, từ năm 2015, DN tiếp tục đầu tư khoảng 100 tỷ đồng mở rộng khuôn viên nhằm tăng công suất lên 100 triệu sản phẩm/năm. “Khi ấy sẽ có thêm hơn 200 lao động có việc làm” - Xuân Hải cho biết thêm

Năm 2014 khép lại, có thể khẳng định, Hà Tĩnh đã “bội thu” ngân sách với hơn 12.000 tỷ đồng và trở thành một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong thành công này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ DN, doanh nhân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast