Những kiểu "lách" thuế VAT

Bán hàng không xuất hóa đơn, được xem là hành vi trốn thuế. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, hành vi “lậu” thuế này đã và đang xảy ra như “cơm bữa” ở khắp mọi nơi từ thành thị cho đến các vùng nông thôn xa xôi. Với những kiểu kinh doanh thiếu minh bạch như thế này, hệ lụy là hàng năm ngân sách Nhà nước đã bị thất thu nhiều tỷ đồng …

Theo quy định của Luật quản lý Thuế, khi một mặt hàng có giá trị thanh toán trên 200 nghìn đồng, người bán phải có trách nhiệm xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng. Việc không xuất hóa đơn khi bán hàng được xem là hành vi trốn Thuế. Thế nhưng, qua điều tra của P.V Báo Hà Tĩnh, hiện nay ở rất nhiều các cữa hàng, cữa hiệu ở khắp mọi nới từ thành phố cho đến các miền quê…, rất hiếm khi xuất hóa đơn VAT khi bán hàng, dù trị giá các món hàng có giá trị cả triệu đồng thậm chí lên đến nhiều chục triệu đồng. Với những kiểu kinh doanh thiếu minh bạch như thế này không chỉ là hành vi vi phạm Pháp luật mà còn tạo điều kiện cho hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, có chỗ “dung thân”.

Để “mục sở thị” thêm những chiêu thức “lách” thuế VAT này, chúng tôi trong vai khách hàng đến mua sắp tại Trung tâm mua sắm Hồng Hà trên đường Trần Phú (thành phố Hà Tĩnh). Tại đây, có rất nhiều mặt hàng được trưng bày, chào bán từ điện tử dân dụng cho đến các mặt hàng cao cấp như tủ lạnh, máy giặt, nồi cơ điện, lò vi sóng, bếp nướng, ti vi, máy ảnh, điện thoại di động…Giá trị các hàng hóa ở đây cũng khá phong phú và đa dạng từ vài ba trăm ngàn đồng cho đến dăm ba chục triệu đồng tùy theo từng chủng loại.

Khá đông khách hàng đến tìm hiểu mua sắp tại Trung tâm Hồng Hà...
Khá đông khách hàng đến tìm hiểu mua sắp tại Trung tâm Hồng Hà...

Qua quan sát của chúng tôi, đa phần trên phiếu niêm yết giá những mặt hàng trưng bày nơi đây đều có ghi “giá đã bao gồm thuế VAT”, Tuy vậy, sau gần 2 tiếng đồng hồ quan sát tại Trung tâm mua sắm này chúng tôi nhận thấy đã có khoảng vài chục lượt khách hàng đến giao dịch, mua bán thành công. Song, điều ngạc nhiêu là khi bán hàng, các thanh toán viên của Trung tâm không hề xuất hóa đơn cho khách theo quy định. Nhẩm tính, doanh số bán hàng bình quân hàng ngày của Trung tâm Hồng Hà phải đến hàng trăm triệu đồng. Như vậy, với mức thuế bình quân 10% thì số tiền thuế có thể thất thu tại Trung tâm này cũng phải đến vài chục triệu đòng cho mỗi ngày bán hàng. Bởi, số thuế VAT hàng thánh của họ phụ thuộc vào số tiền bán ghi trên hóa đơn, trong khi khách hàng gần như chẳng mấy ai lấy hóa đơn.

... Và nhiều khách hàng đã giao dịch thành công
... Và nhiều khách hàng đã giao dịch thành công

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các khách hàng khi đến mua sắp tại đây cho biết: họ mua hàng là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, nên chỉ cần hàng hóa đảm bảo chất lượng là được còn việc Trung tâm có xuất hóa đơn hay không, không quan trọng. Chị H… một nhân viên bán hàng của Trung tâm Hồng Hà (xin được giấu tên) cho biết: Đại đa số khách hàng là cá nhân khi đến mua hàng ở đây đều không đề nghị xuất hóa đơn. Những khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn khi mua hàng đều là đại diện các tổ chức tập thể, bởi họ cần hóa đơn đề về thanh toán với chủ thể. Cũng theo nhân viên bán hàng này thì số khách hàng khi đến mua hàng đề nghị xuất hóa đơn là rất ít, chỉ chiếm khoảng trên dưới 10%

Đến mua chiếc tủ lạnh hiệu Panasonic với giá xấp xỉ 10 triệu đồng tại Cửa hàng điện tử Lý Ngân trên đường Nguyễn Công Trứ (thành phố Hà Tĩnh) chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến kiển bán hàng nơi đây khá đơn giản. Cửa hàng điện tử Lý Ngân bán hàng và thu tiền theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Một số mặt hàng niêm yết giá đã có VAT, nhưng cửa hàng vẫn không có bất cứ hóa đơn, chứng từ gì giao cho khách. Thậm chí, các mặt hàng cồng kềnh như máy dặt, tủ lạnh… khách hàng chỉ cần “ok” là cửa hàng sẽ cho xe vận chuyện đến tận địa chỉ người mua, sau đó nhân viên vận chuyện này tự thu tiền mà chẳng cần phải giao cho khách này bất kể hóa đơn chứng từ nào.

Tuy một số mặt hàng niêm yết giá đã có VAT, nhưng Trung tâm thương mại Lý Ngân vẫn không xuất hóa đơn khi bán hàng.
Tuy một số mặt hàng niêm yết giá đã có VAT, nhưng Trung tâm thương mại Lý Ngân vẫn không xuất hóa đơn khi bán hàng.

L...- Giám đốc một DN kinh doanh điện tử điện, lạnh tại T.P Hà Tĩnh cho biết: Tất cả các báo giá bên bọn anh gửi cho đối tác đều là báo giá không bao gồm thuế VAT vì không phải khách hàng nào cũng cần viết hóa đơn VAT. Với việc làm này, DN có thể hạn chế xuất hóa đơn, giảm được giá bán cho khách hàng, tăng thêm lợi nhuận. Đây cũng là chiêu trò để lách thuế VAT mà rất nhiều DN hiện đang “áp dụng”. Thậm chí, một số DN còn không xuất hóa đơn VAT cho khách hàng, đến nỗi số tiền của hóa đơn VAT đầu vào nhiều hơn đầu ra rất nhiều, mà Nhà nước còn nợ, khấu trừ thuế VAT cho DN. Các DN kiểu này chủ yếu bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, vi tính... những mặt hàng đã bao gồm thuế VAT khi bán ra – L…cho biết thêm.

Khi được chất vấn: làm thế nào để qua mặt được những cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan thuế, L… trả lời một cách tỉnh queo: Ôi dào, ông đúng là kém năng động, đã ăn vụng thì phải biết chùi mép chứ. Mà cứ cho là cơ quan thuế có tổ chức kiểm tra và đối chiếu chứng từ, hóa đơn đầu vào, đầu ra, kiểm kê hàng tồn kho,... thì cũng tốn khá nhiều thời gian, huy động nhiều lực lượng mà chưa chắc đã đạt hiệu quả. Đó là lý do vì sao có nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay ở T.P Hà Tĩnh nộp thuế không bằng quán cơm bụi. Tệ hơn, nhiều doanh nghiệp còn báo cáo lỗ nhiều năm liền không phải đóng thuế nhưng vẫn tồn tại và còn mở rộng hoạt động kinh doanh. Đơn giản, kinh doanh cứ kinh doanh, còn báo cáo thuế làm sao, đầu vào lớn, đầu ra nhỏ, miễn “âm” là có lời từ… gian lận.

Chứng từ giao cho khách của cữa hàng máy tính, điện thoại và linh kiện số Bách Khoa Computer cũng không có hóa đơn VAT, chỉ có phiếu đề nghị xuất hàng.
Chứng từ giao cho khách của cữa hàng máy tính, điện thoại và linh kiện số Bách Khoa Computer cũng không có hóa đơn VAT, chỉ có phiếu đề nghị xuất hàng.

Theo thống kê của các ngành liên quan, tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn Hà Tĩnh trong năm 2012 đạt 18.010.243 triệu đồng. Trung bình mức thuế VAT là 10% thì số tiền thuế mà các hoạt động kinh doanh này phải nộp cho ngân sách nhà nước sẽ là 1.800 tỷ đồng với điều kiện tất cả những đối tượng chịu thuế trên đều phải xuất hóa đơn VAT khi bán hàng! Tuy nhiêu, qua khảo sát của chúng tôi, số lượng những khách hàng đề nghị xuất hóa đơn khi mua hàng ở thành phố Hà Tĩnh ở vào khoảng trên dưới 10%. Còn tại các địa phương khác, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa. Với những chiêu thức lách thuế như thế này của các thành phần kinh tế trên thì hàng năm, số tiền thuế VAT mà Nhà nước thất thu trên địa bàn toàn tỉnh phải lên đến cả trăm tỷ đồng. Một hệ lụy xấu nữa là, việc kinh doanh không xuất hóa đơn đã đẻ ra những công ty mua bán hóa đơn, để cung ứng cho những DN hợp thức hóa số hàng hóa dịch vụ bán ra nhưng không xuất hóa đơn.

Rõ ràng, với việc bán hàng không xuất hóa đơn của nhiều cữa hàng trên địa bàn Hà Tĩnh như hiện này là đã vi phạm nghiêm trọng Luật quản lý thuế. Hậu quả, số tiền thuế VAT mà Nhà nước thất thu hàng năm là con số không hề nhỏ. Điều đáng bàn ở đây, những chiêu trò lách thuế VAT này không hề mới và nó đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp mọi nơi...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast