Những lỗ hổng cần được lấp đầy

(Baohatinh.vn) - Sẽ không công bằng nếu nói các cấp, ngành và chính quyền địa phương thờ ơ với doanh nghiệp (DN), nhưng thẳng thắn nhìn nhận, thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng và tính minh bạch của môi trường đầu tư chưa cao. Đây mới chỉ là một phần những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 02.

Nghị quyết 02 - điểm tựa để doanh nghiệp bứt phá (Bài 2)

>> Bài 1: “Cú hích” phát triển doanh nghiệp

DN yếu trên nhiều phương diện

Xa các trung tâm công nghiệp lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Hà Tĩnh có nhiều yếu tố bất lợi trong phát triển kinh tế. Thêm nữa, kết cấu hạ tầng những năm trước còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật và môi trường kinh doanh đang trong thời kỳ hoàn thiện. Chính các yếu tố khách quan đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển DN nói riêng, kinh tế Hà Tĩnh nói chung.

Công nhân Công ty TNHH Châu Tuấn vận hành máy móc sản xuất bao bì
Công nhân Công ty TNHH Châu Tuấn vận hành máy móc sản xuất bao bì

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan có thể nhận thấy rằng, DN Hà Tĩnh còn yếu kém trên nhiều phương diện. Quy mô DN nhỏ bé, cơ cấu ngành nghề, tổ chức kinh doanh còn nhiều bất cập. Hầu hết các DN tư nhân chưa chú trọng đầu tư mua sắm trang thiết bị nâng cao năng suất lao động. SXKD còn mang nặng tư tưởng “ăn xổi”, thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tài chính ở một số DN còn thiếu minh bạch. Bà Trương Thị Tuyết - Phó phòng thu BHXH tỉnh cho biết: “Hiện chỉ có 1.360 DN tham gia đóng nộp BHXH. Trốn đóng nộp có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là chủ DN “tiết kiệm”; số khác chỉ đóng nộp BHXH cho một số chức danh. Có DN thu nhập cao nhưng đóng nộp BHXH chỉ ở mức lương cơ bản”.

Đặc biệt, trong số hơn 3.600 DN hiện mới chỉ có 250 tổ chức công đoàn, vì vậy, rất khó để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhận rõ những hạn chế, năm 2012, Hiệp hội DN đã được thành lập nhằm sáp nhập 3 tổ chức hội: DN nhỏ và vừa, DN trẻ, CLB nữ doanh nhân để xây “mái nhà chung” cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến nay, vai trò của tổ chức này vẫn mờ nhạt.

Nhiều cấp, ngành thiếu tâm huyết

Nghị quyết 02 được ban hành khá sớm và được quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có nhiều tổ chức, đơn vị chưa quyết liệt thực hiện; vai trò tham mưu còn yếu, thiếu tính chủ động, sáng tạo; trách nhiệm quản lý nhà nước còn hạn chế, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Tình trạng đối phó với cấp trên còn xảy ra ở một số bộ phận của các sở, ban ngành. Năng lực, trình độ của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật. Tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu vẫn tồn tại.

Đập dâng Lạc Tiến đang trong thời kỳ hoàn thiện thuộc dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng.
Đập dâng Lạc Tiến đang trong thời kỳ hoàn thiện thuộc dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng.

Nhiều DN vẫn phàn nàn, thủ tục đăng ký kinh doanh đã được cải thiện, tuy nhiên, ở một số khâu như thay đổi nhân sự trên giấy phép, rà soát ngành nghề, rà soát năng lực, thẩm định dự án còn chậm. Bên cạnh đó, hồ sơ thuê đất cho DN thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê, gây lãng phí thời gian và chi phí của DN. Theo khẳng định của một số DN thì “thời gian để hoàn thành các thủ tục về giao đất, thuê đất không dưới 7 tháng, thậm chí kéo dài cả năm; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không dưới 80 ngày. Trong khi đó, quy định của luật không quá 50 ngày. Muốn làm nhanh phải có… “cơ chế” - một số DN nói thẳng. Rất nhiều DN bức xúc cho rằng, tiếp cận nguồn vốn để SXKD là vấn đề nan giải nhất. Thời gian làm thủ tục quá dài lại kèm rất nhiều điều kiện “cần và đủ”; định giá tài sản thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Trong khi xác định giá trị tài sản không có cơ quan trung gian để đảm bảo khách quan nên “vay được vốn hay không còn phụ thuộc vào… quan hệ”?!

Có một nghịch lý đã tồn tại và kéo dài nhiều năm qua là, nợ thuế, nợ BHXH, nợ ngân hàng “đến hẹn lại lên” DN phải trả đủ. Trong khi đó, những món chủ đầu tư nợ DN chẳng biết đến bao giờ mới được thanh toán. Theo ông Dương Hồng Lĩnh - Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh “Năm 2013, ngành Thuế đã xử phạt các DN chậm nộp thuế với số tiền lên đến hơn 24 tỷ đồng”. Năm 2013 có 1.282 DN tham gia đóng nộp BHXH; nợ của khối DN là 27 tỷ đồng. Nhưng quý I năm nay, nợ khối DN trên 38 tỷ đồng.

Đánh giá về chỉ số PCI của Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam cho thấy: Năm 2007, Hà Tĩnh xếp thứ 56/63 tỉnh, thành. Năm 2011, Hà Tĩnh vươn lên vị trí thứ 7, nhưng năm 2013 lại xếp thứ 47. Nhiều chỉ số thành phần chưa cao cho thấy những hạn chế mà Hà Tĩnh cần ưu tiên khắc phục trong điều hành và tổ chức thực hiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh thể hiện đánh giá của DN đối với môi trường đầu tư của địa phương. Cải thiện và giữ vững chỉ số này, DN sẽ có đủ các yếu tố “cần và đủ” để tăng tốc và phát triển bền vững.

.

(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast