Niềm vui từ những đồi chè

Dẫu đã được đổi tên thành xã Hương Trà (Hương Khê) từ năm 2004 nhưng trong ký ức của những người sống ở đây vẫn còn lưu luyến về tên gọi Thị trấn nông trường 20/4 - Cái tên gợi nhiều kỷ niệm về những ngày mở núi khai hoang, về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ oai hùng với thành tích bắn rơi máy bay Mỹ và cả những ngày trăn trở tìm cách duy trì, đứng vững trong thời bình…

Từ trung tâm hành chính của xã Hương Trà, chỉ cần đi chưa đầy 500m, chúng tôi đã bắt gặp ngút ngát màu xanh thâm thẫm, chẳng thể biết đâu là điểm cuối cùng của “cánh đồng” 20 – 4. Những đồi chè thoai thoải nằm yên bình giữa nắng ấm mùa đông hứa hẹn một mùa vui cho công nhân nông trường…

Tiền thân là một đồn điền của Pháp, ngày 20/4/1959, Nông trường chính thức được thành lập, ban đầu cũng chỉ trồng một số loại cây ăn quả và chỉ có lưa thưa dăm bảy hộ đến ở làm kinh tế mới. Cho đến năm 1970, cây chè bắt đầu bén rễ trên vùng đất này và nhanh chóng trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình bởi vốn đầu tư ban đầu không nhiều mà thu hoạch từ cây chè lại kéo dài. Kinh tế của người dân dần trở nên khấm khá với thu nhập từ loại cây công nghiệp này.

Nhờ thời tiết thuận lợi nên dù đã cuối vụ nhưng chè xanh Hương Trà vẫn lên mầm rất tốt

Nhờ thời tiết thuận lợi nên dù đã cuối vụ nhưng chè xanh Hương Trà vẫn lên mầm rất tốt

Khi diện tích cây chè được nhân rộng thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm lại lâm vào tình thế khó khăn. Những năm 90 của thế kỷ trước, không ít người đã lo lắng về sự xóa sổ đối với loại cây công nghiệp này bởi thực tế nhiều hộ cũng đã bắt đầu tính kế làm ăn mới. Trước tình hình đó, nông trường đã đầu tư máy móc để trực tiếp thu mua chế biến sản phẩm cho bà con với qui mô lớn đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở các nước Tây Á.

Chè trồng ở Hương Trà có mùi thơm đặc biệt lại cho màu nước rất đẹp nên rất được ưa chuộng trên thị trường. Khi sản phẩm được bao tiêu đầu ra ổn định, bà con lại tin tưởng duy trì gây dựng kinh tế từ những đồi chè. Từ chỗ chỉ có khoảng 100 ha đến nay toàn nông trường đã có tới 220 ha chè xanh, cao điểm có những ngày xưởng chế biến phải xử lý tới 18 tấn chè búp.

Ông Ngô Viết Hạ - Chủ tịch UBND xã Hương Trà cho biết: “Hiện nay, thu nhập từ cây chè chiếm 30% tỉ trọng kinh tế của xã Hương Trà. Toàn xã có 400 hộ (50% tổng số hộ của xã) có vườn chè, trong đó 300 hộ tham gia chế độ BHXH của nông trường. Cây chè không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn giúp các gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo tương lai cho con cái”.

Thường thì mỗi năm, cây chè cho gia chủ 8 tháng thu nhập ổn định, mùa búp rộ nhất là những tháng giữa năm và ít dần vào cuối năm, tuy nhiên, năm nay gặp thời tiết thuận nên cuối vụ rồi mà lượng chè vẫn còn khá dồi dào, mỗi tháng bình quân người trồng chè vẫn có thể thu được hơn 2 triệu đồng. Chính vì thế nên thời điểm này trên những đồi chè công nhân vẫn đang bận rộn thu hoạch. Chỗ chúng tôi đang đứng là đồi chè của gia đình bác Nguyễn Thị Lan, tuy không phải là đồi chè cho kinh tế cao nhưng khá ổn định.

Bác Lan cho biết: “Vợ chồng tôi cũng đã khá nhiều tuổi nên không đầu tư nhiều, nhận ha chè này để kiếm thêm thu nhập lo chi phí cho đứa con học đại học. Mỗi ngày chúng tôi túc tắc hái khoảng dăm tiếng đồng hồ rồi đem xuống nhập cho nông trường cũng kiếm được vài trăm nghìn”. Đối với những hộ như gia đình bác Lan, sản lượng chè hái được đạt khoảng 12 tấn/vụ, đó cũng là một khoản thu nhập không nhỏ đối với người nông dân nơi đây.

Công nhân nông trường 20 - 4 trong niềm vui thu hoạch

Công nhân nông trường 20 - 4 trong niềm vui thu hoạch

Những năm gần đây, các hộ trồng chè còn nhận được quan tâm của chính quyền xã và nông trường trong việc nâng cao kiến thức chăm sóc cây chè nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng chè búp. Một số hộ như: chị Nguyễn Thị Hồng Hân (xóm Tiền Phong), anh Nguyễn Văn Phúc (xóm Tây Trà), anh Đinh Văn Ngụ (xóm Tân Hương) v.v…đã đầu tư thâm canh nên năng suất thu được khá cao, đạt khoảng 18 tấn/ha/1vụ. Tính giá chè hiện tại là 5.500 đồng/ kg thì mỗi năm những gia đình này thu được gần 100 triệu đồng từ cây chè. Nguồn thu nhập này tuy chưa phải là cao nhưng rất ổn định và lâu dài (bình quân 1 ha chè có thể cho thu hoạch 25 năm) nên hầu hết các hộ vẫn bám đất, bám chè.

Lách mình giữa bạt ngàn những thân chè đang độ trổ búp chúng tôi như cảm nhận được niềm vui xôn xao khắp núi đồi Hương Trà… Ngàn vạn búp chè tươi non loang loáng trong ánh nắng mùa đông ấm áp sẽ rồi sẽ rời tay người hái đến những chân trời xa mang theo hương vị của núi đồi, mang theo nỗi nhọc nhằn sớm tối lẫn niềm vui lặng lẽ của những người dân quê…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast