Nỗ lực khắc phục khó khăn nơi vùng đất mới

Đến thời điểm này, 141 hộ dân thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam và thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) đã cơ bản tháo dỡ nhà cửa, di dời đến khu tái định cư (TĐC). Mặc dù công việc đang bộn bề khi đặt chân đến khu TĐC mới, nhưng với sự quan tâm, chia sẻ của các cấp chính quyền, những khó khăn của bà con đang dần được khắc phục.

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân

Cả vùng TĐC như một đại công trường, tấp nập xe vào ra chở vật liệu xây dựng. Hàng chục ngôi nhà đang được các tốp thợ khẩn trương hoàn thiện.
Cả vùng TĐC như một đại công trường, tấp nập xe vào ra chở vật liệu xây dựng. Hàng chục ngôi nhà đang được các tốp thợ khẩn trương hoàn thiện.

Chúng tôi đến thôn Minh Huệ và thôn Ba Đồng, được chứng kiến 141 hộ dân nơi đây đang tất bật tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc đến vùng TĐC mới. Các hộ dân của 2 thôn này sẵn sàng hy sinh quyền lợi để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công triển khai xây dựng khu TĐC cho 1.186 hộ dân thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi). Cả vùng TĐC như một đại công trường, tấp nập xe cộ vào ra chở vật liệu xây dựng. Hàng chục ngôi nhà đang được các tốp thợ khẩn trương hoàn thiện. Tại nơi ở cũ, các tổ chức đoàn thể cũng đang khẩn trương giúp người dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc. Để các hộ dân có nơi ở tạm trong thời gian xây nhà, huyện Kỳ Anh đã huy động lực lượng dựng 30 chiếc lều bạt tại vùng TĐC.

Ông Đặng Xuân Lự - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Anh - cho biết, việc di dời dân thôn Ba Đồng và thôn Minh Huệ bước đầu không được nhân dân đồng thuận, thậm chí có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu hợp tác. Một số hộ dân vẫn tiếp tục xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch. Trước những khó khăn đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước về GPMB, TĐC. Đến nay, hơn 90% hộ dân đã nhận tiền đền bù và tự tổ chức di dời.

Chị Bùi Thị Tuấn - một trong 47 hộ dân tại thôn Minh Huệ- cho biết, ở nơi cũ, công việc kinh doanh thuận lợi, đặc biệt khi dự án FORMOSA đi vào hoạt động thì đây là vùng có tiềm năng phát triển DV-TM. Đến nơi ở mới, chúng tôi đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng vì mục tiêu phát triển chung, chúng tôi đã chấp hành.

“Khó khăn nhất hiện nay tại khu TĐC Minh Huệ là thiếu nguồn nước ngọt trầm trọng. Chúng tôi phải khoan sâu xuống hàng chục mét mới có nước. Nhiều điểm không thể khoan sâu được do gặp phải đá ngầm” - chị Tuấn cho biết thêm.

Chia sẻ khó khăn cùng người dân, chính quyền xã Kỳ Phương và xã Kỳ Nam phối hợp với CBCS đồn biên phòng… huy động lực lượng xuống “3 cùng” với nhân dân, đặc biệt, đảm bảo công tác bảo vệ ANTT, phòng chống cháy nổ để người dân an tâm. Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/hộ để khoan giếng và 800.000 đồng/hộ trong thời gian 6 tháng để người dân thuê chỗ ở.

Các tổ chức đoàn thể cũng đang khẩn trương giúp người dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc
Các tổ chức đoàn thể cũng đang khẩn trương giúp người dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc

Chuyển đổi nghề phù hợp với môi trường mới

Đến nay, công tác kiểm đếm, chi trả đền bù cho 141 hộ dân đã cơ bản hoàn thành. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ, đền bù, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động để chuyển đổi nghề và bước đầu đã đem lại hiệu quả.

Sau khi được đền bù phần tài sản trên đất trị giá 500 triệu đồng, chị Bùi Thị Tuấn đã mạnh dạn vay thêm 400 triệu đồng mua máy xúc. Sau 1 tháng hoạt động, trừ chi phí xăng dầu, nhân công, chị Tuấn còn lãi 30 triệu đồng. Theo chị Tuấn, nghề mới này cho thu nhập cao hơn hẳn so với việc buôn bán trước đây.

Gia đình cụ Nguyễn Đình Vàng là một trong những hộ được đền bù nhiều nhất với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng. Cũng giống như nhiều hộ dân khác trong xóm, cụ chỉ trích một phần nhỏ để xây ngôi nhà mới, phần lớn tiền còn lại cụ giao cho con cháu đầu tư phát triển sản xuất. Người con cả của cụ đầu tư 700 triệu đồng mua chiếc xe ô tô 7 chỗ hợp đồng chở chuyên gia đang hoạt động trong dự án FOMOSA. Mỗi tháng, trừ chi phí còn cho thu nhập 15 triệu đồng. Người con thứ mua chiếc xe vận tải nhỏ để chở hàng vật liệu xây dựng phục vụ người dân trong vùng.

Nhiều ngôi nhà khang trang đã đi vào hoàn thiện, chuẩn bị cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn
Nhiều ngôi nhà khang trang đã đi vào hoàn thiện, chuẩn bị cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn

Ông Đặng Văn Thành - Phó BQL Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng - cho biết, tổng mức đầu tư xây dựng khu TĐC Ba Đồng và Minh Huệ khoảng 400 tỷ đồng. Theo quy hoạch, các vùng TĐC có hệ thống cấp, thoát nước, đường nhựa đảm bảo tiêu chuẩn NTM. Việc chậm tiến độ xây dựng các khu TĐC, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết không thuận lợi, thì nguyên nhân chính vẫn từ phía các nhà thầu. Ban sẽ đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu TĐC trước ngày 30/7. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở khu TĐC Minh Huệ, BQL KKT Vũng Áng sẽ cho xây dựng trạm bơm tăng áp ở gần chân đèo Con lấy nước từ KKT cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho các khu TĐC.

Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó, nhưng với sự quan tâm chia sẻ của chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực ổn định cuộc sống, chủ động chuyển đổi ngành nghề, tin tưởng rằng, cuộc sống ấm no sẽ đến với bà con thôn Ba Đồng, Minh Huệ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast