Nồng mặn một tình yêu với biển

Chiều biển động, thế mà âu biển Cửa Sót lại trở nên vui tươi hơn trong rực rỡ sắc màu tàu thuyền neo đậu. Trên những con thuyền sơn xanh đỏ là những lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay… Tình yêu biển cả và lòng tự hào dân tộc là hai thứ hành trang lớn lao nhất, thường trực nhất trong mỗi chuyến dong buồm ra khơi của những người gắn đời mình với biển cả…

Những ngư dân ở nôốc vươn khơi

Vốn được sinh ra ở biển, sinh sống trên nôốc, trên thuyền, giấc mơ vượt qua vùng lộng để vươn khơi luôn thường trực trong mỗi ngư dân Thạch Kim qua nhiều thế hệ. Hơn 20 năm trước, với những con tàu 2 máy có trọng tải 48 CV, gia đình ông Nguyễn Văn Như đã là một trong những ngư dân Thạch Kim ở nôốc đầu tiên vươn khơi đánh cá.

Ông Như cho biết: “Hồi ấy cũng đã có một số người tích cóp tiền của lên bờ làm nhà ở kiên cố nhưng nghĩ gia đình mình mấy đời ở nôốc rồi, có ở thêm nữa cũng chẳng sao, cái chính là mình muốn hiện thực hóa giấc mơ của cha mẹ. Dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm họ hàng, tôi sắm con tàu lớn để vươn khơi. Lần đầu tiên đi xa, cách làng mình hàng trăm hải lý có nhiều cảm xúc lắm. Tất cả anh em trên tàu đều tỏ ra rất thích thú, nhất là khi đánh được những loại cá mà trước đây đánh trong lộng chẳng bao giờ mơ tới”.

Cách đây hơn 10 năm, lần lượt khoảng 30 hộ ngư dân ở nôốc đã được chính quyền Thạch Kim cấp đất làm nhà ở kiên cố. Sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo động lực lớn cho họ mua sắm, đóng mới, cải hoán tàu để ra khơi xa. Trong một thời gian dài, Thạch Kim tự hào là địa phương có đội tàu hùng mạnh nhất toàn tỉnh với 160 chiếc và dẫu bây giờ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, khiến con số đó giảm xuống nhưng những ngư dân vẫn tiếp tục bám biển, vẫn không ngừng đắp bồi tình yêu biển cả của mình.

Đầu tư cải hoán để những con tàu ngày càng lớn hơn là ước mơ hiện nay của nhiều ngư dân Thạch Kim
Đầu tư cải hoán để những con tàu ngày càng lớn hơn là ước mơ hiện nay của nhiều ngư dân Thạch Kim

Năm ngoái, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cải hoán và đóng mới tàu, ông Nguyễn Văn Như đã mạnh dạn đăng ký và vay vốn ngân hàng đóng tàu lớn. Con tàu 230 CV trị giá 1,3 tỷ đồng của gia đình ông hiện là tàu lớn nhất ở xã Thạch Kim. Chính vì những bước đi tiên phong cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ các tàu thuyền trên biển khi gặp nạn, ông Như liên tục được chính quyền xã, huyện và UBND tỉnh khen tặng.

Con rể ông Như là anh Ngô Văn Hiếu (thôn Phú Mậu - Thạch Bằng) cũng theo cha mình vay vốn đóng tàu lớn 90 CV. Những chuyến dong buồm của 2 cha con thêm xa hơn, dài ngày hơn và sản lượng đánh bắt được cũng nhiều hơn.

Đang hồ hởi kể về những khoang tàu đầy cá, mực, ông Như chợt trầm ngâm: “Trong tình hình biển Đông hiện nay, mỗi chuyến ra khơi xa, chúng tôi đều cẩn trọng hơn. Mặc dù xã cũng đã tập huấn kiến thức phát hiện và ứng phó với tàu lạ nhưng giữa trùng khơi, ai biết được bất trắc nào sẽ đến. Trước mỗi chuyến ra khơi, tôi đều căn dặn đội tàu của mình là nếu gặp sự gây hấn của tàu lạ thì khi đó không còn vấn đề cá nhân nữa, tài sản cần bảo vệ nhất trên tàu chính là lá cờ Tổ quốc”.

Tôi hiểu ông đã nói rất thật lòng. Tôi tin tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc trong ông như tin vào tình yêu với biển của những ngư dân “ăn sóng nói gió” ở đây…

Biển muôn đời hát gọi nỗi nhớ mong…

Với những người quanh năm bám biển, bám thuyền thì câu nói truyền đời “trong thuyền là người, ngoài thuyền là ma” luôn được họ coi là một lời dạy về bản lĩnh, kinh nghiệm đi biển. Quá nửa đời phiêu bạt, gửi đời mình cho giông gió khơi xa, ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Hoa Thành) vẫn chưa ngưng nhớ nhung biển cả. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên tàu của gia đình ông chưa được cải hoán thành tàu có trọng tải lớn. Trước đây chỉ với con tàu trọng tải 48 CV, ông và các con mình cũng đã “chinh chiến” tận các vùng biển lớn quanh đảo Bạch Long Vỹ, Vịnh Bắc Bộ… Và trong những chuyến đi xa ấy, cũng có mấy lần ông suýt bỏ mạng vì bão biển đánh lật thuyền nếu không được thuyền bạn cứu nạn kịp thời.

Chuẩn bị cho mỗi chuyến xa khơi
Chuẩn bị cho mỗi chuyến xa khơi

Ông Tuấn cho biết: “Sau những tai nạn như thế, tôi cũng ớn lắm nhưng chỉ về nghỉ độ mươi ngày đã thấy nhớ biển rồi. Không đi không chịu được, thế là lại ra khơi”. Mấy năm gần đây, do sức khỏe kém, ông nhường “chức” thuyền trưởng cho con trai và nghỉ ở nhà nhưng trong những giấc ngủ chập chờn trong căn nhà bên chân sóng, lòng ông lại chênh chao nhớ biển. Những lúc không chịu nổi, ông lại lên tàu cùng con cháu rẽ sóng ra khơi.

Gần đây, nghề biển không mang lại nhiều lợi nhuận như trước, một số gia đình đã bỏ thuyền, bỏ biển chọn nghề mới. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định: “Đi biển là nghiệp truyền đời của gia đình tôi, chúng tôi sinh ra từ biển, lớn lên nhờ biển nên sẽ không bao giờ bỏ biển, chỉ mong sao sắp tới kiếm được tiền, đóng tàu lớn hơn để mỗi chuyến con cái ra khơi, tôi yên tâm hơn”.

Cũng lớn lên từ biển và gắn bó với những chuyến ra lộng đánh cá nhưng từ khi gia đình lên bờ ở và sắm tàu lớn thì bà Nguyễn Thị An không được trực tiếp ra khơi nữa. Gia đình bà 6 đời gắn bó với biển, bản thân bà cũng sống quá nửa đời người trên nôốc nên việc phải ở nhà khiến bà khắc khoải suốt một thời gian dài. Trong những ngày chồng con ra khơi, mỗi sáng, mỗi chiều bà đều ra biển ngóng trông.

Thế rồi, trong nỗi nhớ mong đằng đẵng ấy, bà An tìm được cho mình việc làm để nguôi quên, ấy là ngồi "tóm lưỡi câu" (buộc lưỡi câu vào sợi cước cho chặt) . Mỗi ngày, bà An tóm được 500 lưỡi câu và chồng bà trong mỗi chuyến trở về lại yên tâm hơn vì không lo phải sắm sanh 5.000 lưỡi câu cho chuyến đi mới. Bà An nói: “Trước đây, ngồi tóm lưỡi câu, tôi cũng nhớ sóng biển lắm nhưng lâu rồi cũng quen, miễn là gia đình tôi không bỏ nghề biển”.

Lời kết

Những người đàn ông, đàn bà đi biển mà chúng tôi gặp đều có dáng hình vậm vạp, nước da, màu mắt, giọng nói và đôi tay xù xì, thô nhám của họ đều nhuốm sậm màu của biển cả. Không chỉ sự kiên gan, bền sức, biển thẳm không cùng còn thả vào tâm hồn họ nét lãng mạn rất riêng của người miền biển. Và chúng tôi tin, với những người đã yêu biển bằng tình yêu bản năng ấy, dẫu đời sống có khó khăn đến mấy, họ cũng không bao giờ từ giã biển khơi…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast