Nửa năm, EVN vay hàng chục nghìn tỉ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố giá trị các khoản tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2013. Theo đó các nguồn vốn mà EVN đang đàm phán hoặc đang hoàn thiện thủ tục để ký kết có tổng giá trị lên tới khoảng 76.900 tỷ đồng...


Theo đó, tổng giá trị các hợp đồng tín dụng vay vốn mà EVN đã ký kết tính đến hết tháng 6/2013 là 19.800 tỷ đồng. Trong đó, các nguồn vốn ODA và vay nước ngoài là 673 triệu USD, tương đương 14.200 tỷ đồng, vốn vay trong nước là 5.638 tỷ đồng.

Như vậy, trong 6 tháng EVN đã vay gần 20.000 tỉ đồng.

Theo EVN, số tiền vay được từ nay đến cuối năm 2013 sẽ dùng vào việc tập trung giải quyết xong vấn đề vay vốn trong nước và nước ngoài cho dự án thủy điện Lai Châu, nhiệt điện Duyên Hải 3 và các dự án cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Tập đoàn cũng tiếp tục thu xếp vốn đầu tư các dự án lưới điện, trong đó ưu tiên các dự án lưới điện truyền tải cấp bách cần khởi công trong năm như đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu, đường dây 220 kV Hà Đông - Thành Công, lưới điện đồng bộ các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải.

Đại diện EVN cũng cho biết, thời gian qua, công tác thu xếp vốn của tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Song, để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2013, tập đoàn và các đơn vị đã làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại rằng nhìn lại các năm trước, nguồn vốn ưu đãi giá rẻ và bảo lãnh vay vốn còn nhiều hơn. Nhưng thực tế trong kế hoạch đầu tư 2006-2015, EVN chỉ thực hiện được 57% số dự án đã nhận và số dự án có thể thực hiện đúng tiến độ trong thời gian còn lại có thể dài hơn.

Tình hình này nói lên “ngành điện đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập về công tác tổ chức, lúng túng trong điều hành” (kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thiếu điện và các giải pháp khắc phục, tháng 7/2010).

Mặc dù vừa là chủ đầu tư dự án, vừa là nơi độc quyền ký các hợp đồng mua bán điện, không phải chịu cảnh chờ có giá mới được đầu tư như các nhà đầu tư độc lập khác làm chậm tiến độ nhưng lợi thế đó không được EVN chuyển hóa thành năng lực đầu tư.

Dự án của họ cũng chậm tiến độ ít nhất từ 1-2 năm, thậm chí đến 4-5 năm làm suất đầu tư không còn như tính toán ban đầu nữa. Tình trạng này đến nay hầu như chưa có gì thay đổi và EVN luôn đưa ra lý do thiếu vốn, đề nghị tăng giá điện thay vì phải nâng cao năng lực quản lý hiện có.

Nguồn: Đất Việt Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast