Nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao - Hướng đi chiến lược

(Baohatinh.vn) - Nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát trong năm 2015 đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Hoàng, 2015 được đánh giá là năm nuôi tôm phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; đặc biệt, nhiều diện tích đất cát hoang hóa ven biển, nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh được chuyển sang nuôi thâm canh công nghiệp, công nghệ cao. Trong tổng số 2.160 ha tôm thì có 820 ha nuôi thâm canh, công nghệ cao, tăng 86% so với năm trước. Qua đó, sản lượng tôm năm 2015 đạt cao nhất từ trước đến nay với 3.410 tấn (tăng 700 tấn so với năm 2014).

Mô hình nuôi tôm của HTX Xuân Thành, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) cho năng suất, sản lượng cao.

Mô hình nuôi tôm của HTX Xuân Thành, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) cho năng suất, sản lượng cao.

Hầu hết các vùng nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh... đều đạt năng suất, sản lượng cao. Theo Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân - Trịnh Quang Luật, năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân nuôi tôm trên địa bàn đạt năng suất bình quân 15-20 tấn/ha/năm, doanh thu trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận 200-300 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như HTX Xuân Thành (Xuân Phổ) năng suất đạt 30-40 tấn/ha; mô hình của ông Lê Sỹ Hải (Cương Gián) đạt 20-25 tấn/ha, cho lãi ròng 500-700 triệu đồng/ha.

Thành công của vụ tôm trong năm 2015 trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ngành NN&PTNT trong việc tuyên truyền, phổ biến tiến bộ kỹ thuật để người dân mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Quan trọng hơn, người nuôi đã mạnh dạn lựa chọn và sử dụng giống tôm đảm bảo chất lượng mặc dù giá thành cao hơn các giống trôi nổi. Hiện tại, các cơ sở nuôi thâm canh và thâm canh công nghệ cao đều lựa chọn nguồn giống của các cơ sở sản xuất uy tín; chú trọng công tác phòng chống và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân cho rằng: Để nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả, bền vững, đòi hỏi phải chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng thâm canh, thâm canh công nghệ cao. Theo đó, năm 2016, tỉnh phấn đấu diện tích nuôi mới đạt 40-50 ha, nâng tổng diện tích nuôi theo hướng này lên 850 ha. Ngành sẽ tập trung cao cho công tác GPMB, tạo quỹ đất “sạch”, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển nuôi tôm trên cát công nghệ cao; chuyển đổi từ nuôi quảng canh, bán thâm canh sang thâm canh với diện tích từ 50-60 ha tại các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân…

Các cơ sở nuôi thâm canh và thâm canh công nghệ cao đều lựa chọn nguồn giống của các cơ sở sản xuất uy tín, chú trọng công tác phòng chống và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

Các cơ sở nuôi thâm canh và thâm canh công nghệ cao đều lựa chọn nguồn giống của các cơ sở sản xuất uy tín, chú trọng công tác phòng chống và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

Ngoài ra, ngành sẽ tham mưu, phối hợp tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh nhằm thay đổi tư duy, kiến thức nuôi trồng thủy sản. Tổ chức sản xuất theo hình thức quản lý cộng đồng, trong đó, chú trọng các mô hình liên kết, các hội, hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp… gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Về giải pháp kỹ thuật, ngành khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần quản lý tốt môi trường vùng nuôi, ứng dụng những quy trình nuôi tiên tiến, sử dụng nguồn giống đảm bảo chất lượng, ứng dụng chế phẩm vi sinh... để hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast