Nuôi tôm theo hướng VietGap

(Baohatinh.vn) - Bước đầu thực hiện việc xây dựng các mô hình nuôi tôm hướng đến quy trình nuôi an toàn sinh học VietGAP trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài cho nghề nuôi tôm. Đây được xem là cách giúp người nuôi tôm tăng lợi, giảm hại một cách bền vững.

Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Năm 2014, dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát bền vững Hà Tĩnh (CRSD) phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản xây dựng 3 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học theo hướng VietGAP tại các xã: Thạch Long (Thạch Hà), Xuân Đan (Nghi Xuân) và Hộ Độ (Lộc Hà).

Ông Nguyễn Văn Mại (Hộ Độ) là một trong những hộ dân được chọn xây dựng mô hình vì có vùng nuôi nguồn nước không bị ô nhiễm. Triển khai từ tháng 9 với diện tích 0,5 ha, được dự án hỗ trợ 30% về giống, thức ăn, hóa chất, ông Mại đầu tư cải tạo 2 ao nuôi theo đúng quy chuẩn VietGap, lắp đặt 4 giàn quạt và bố trí sục đáy khí xung quanh ao... Ông được cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng quy trình nuôi chặt chẽ. “Sau gần 3 tháng thả nuôi, đến kỳ thu hoạch, tôi thật sự phấn khởi khi tôm khỏe mạnh, có trọng lượng từ 75-80 con/kg, tỷ lệ sống đạt 80%. Tính ra, 0,5 ha đạt sản lượng 4 tấn, trị giá gần 700 triệu đồng, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Nuôi tôm theo hướng VietGap rất dễ quản lý và đảm bảo an toàn dịch bệnh do mật độ thưa - 80 con/m2; nuôi bằng chế phẩm sinh học nên giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích” - ông Mại cho biết.

Nuôi tôm theo hướng VietGap ảnh 1

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật nuôi tôm tăng năng suất, sản lượng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Trên diện tích 0,5 ha, anh Nguyễn Đức Thuận (thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long) cũng áp dụng nuôi tôm thâm canh theo quy trình VietGap. Theo anh Thuận, nuôi tôm theo hướng VietGap không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình cải tạo ao đầm mà chất lượng con giống đặc biệt được chú trọng. Con giống phải có kích cỡ đồng đều, được cơ quan chuyên ngành kiểm dịch. Trước khi thả, người nuôi phải tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường như độ pH, độ kiềm, độ mặn... để phát hiện, điều chỉnh thích hợp, tránh gây sốc cho tôm. Mô hình của anh Thuận mặc dù thu hoạch sớm (sau 75 ngày nuôi) do biến động thời tiết, nhưng sản lượng vẫn đạt hơn 4 tấn; trừ chi phí, lãi ròng trên 234 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học theo hướng VietGAP là mô hình mới, bước đầu được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình trên được triển khai nhằm giúp bà con nhận thức về nuôi tôm bền vững, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, góp phần tạo lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cần nhân rộng mô hình

Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Những năm qua, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh ta phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài cho các hộ nuôi, cần tuân thủ quy trình nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP.

Theo đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, tỉnh ta phát triển được 3.050 ha nuôi tôm; sản lượng đạt trên 30.000 tấn, gấp10 lần hiện nay và chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Vì vậy, nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học theo hướng VietGAP là hướng đi đầy triển vọng cho các vùng nuôi tôm hiện nay. “Theo đó, ngành chuyên môn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản để nâng cao nhận thức cho người dân về nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng

VietGAP... Mặt khác, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện trong việc cho thuê đất, mặt nước và có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi để áp dụng hình thức nuôi tôm an toàn sinh học, góp phần đưa nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững”, ông Lê Đức Nhân - Phó giám đốc Sở NN&PTNT đưa ra giải pháp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast