Nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn - nguy cơ thiếu bền vững

(Baohatinh.vn) - Vùng nuôi tôm thuộc dự án Suma ở Thạch Bàn (Thạch Hà) sau nhiều năm bỏ hoang nay đang dần được hồi sinh, đưa lại niềm vui cho người dân xã nghèo. Song, sự phát triển rầm rộ đang tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững khi cơ sở hạ tầng vùng nuôi đang bị xuống cấp nghiêm trọng và không được sự quản lý của cộng đồng.

Năm 2000, xã Thạch Bàn được hưởng lợi từ dự án “Hỗ trợ và phát triển thủy sản biển và nước lợ dựa vào cộng đồng” (gọi tắt là dự án Suma) do tổ chức phi chính phủ Đan Mạch tài trợ với tổng đầu tư trên 8 tỷ đồng. Đây là một dự án mang tính nhân văn giúp người dân thoát nghèo từ tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thế nhưng, mọi kỳ vọng “đổi đời” của người dân tham gia nuôi tôm ở đây bị cuốn trôi bởi trình độ kỹ thuật hạn chế; “mạnh ai nấy làm” nên nuôi vụ nào “thất bát” vụ đấy. Cứ thế, nợ chồng nợ, người dân đành phải dứt bỏ con tôm tìm nghề khác.

Đầu tư phát triển rầm rộ nhưng thiếu các điều kiện đảm bảo nên NTTS ở Thạch Bàn đang đứng trước nguy cơ thiếu bền vững
Đầu tư phát triển rầm rộ nhưng thiếu các điều kiện đảm bảo nên NTTS ở Thạch Bàn đang đứng trước nguy cơ thiếu bền vững

Tuy vậy, vụ tôm xuân hè 2014, vùng đất sau bao năm bị bỏ hoang ngổn ngang, đang được người dân tái tạo thành những ao đầm nuôi tôm quy mô, bài bản. Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn - Nguyễn Văn Cường cho biết: Năm 2013, HTX Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Diêm Hải nhận thuê lại 18 ha và chủ yếu nuôi các đối tượng cua, cá, trong đó xây dựng 1 ha ao nuôi tôm xuân hè. Sau gần 3 tháng thả nuôi, tôm đạt năng suất 8 tấn/ha, lợi nhuận 400 triệu đồng và hàng trăm triệu đồng từ nuôi vụ đông. Thành công của HTX NTTS Diêm Hải đã thu hút hàng chục hộ dân trong và ngoài vùng tham gia đầu tư nuôi theo hướng thâm canh. Vùng đất này đang dần được “hồi sinh”, tiếp tục khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế, XÐGN, xây dựng NTM ở địa phương.

Anh Nguyễn Phi Thắng - Chủ nhiệm HTX NTTS Diêm Hải - người tiên phong khôi phục lại vùng nuôi tôm, lo lắng: Vùng dự án này trước đây được đầu tư nuôi tôm quảng canh nên không có hệ thống đường điện, kênh cấp thoát nước bỏ hoang lâu ngày nay bị xuống cấp, không đảm bảo quy trình nuôi thâm canh. Hiện tại, 2 ao lắng trước khi thải ra sông từ kênh chính của vùng nuôi không còn sử dụng do có người đấu thầu nuôi tôm, cua quảng canh. Mặt khác, kênh tiêu, thoát nay đã xuống cấp không phát huy được tác dụng, ảnh hưởng đến môi trường cho cả vùng nuôi. Người nuôi tôm ở đây hầu hết phải khoan lấy nước ngầm lên chắt lọc trước khi bơm vào ao. Đáng lo ngại hơn, đã xuất hiện dịch bệnh tại một ao nuôi của xã viên Hồ Thị Hòa.

Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS, khôi phục lại diện tích nuôi tôm thuộc dự án Suma là rất thiết thực. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, nếu nuôi thâm canh thì vùng này chưa đủ điều kiện, thiếu bền vững do thiếu hệ thống đường điện, kênh cấp thoát nước không đảm bảo. Việc các hộ dân khoan lấy nước ngầm dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi là rất cao do trong quá trình nuôi, nước sẽ ngấm xuống đất cùng với chất thải của tôm, các loại giáp xác có sẵn trong ao nuôi là những yếu tố dễ gây ra dịch bệnh.

Tuy phát triển rầm rộ nhưng vùng nuôi này vẫn còn mang tính tự phát, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Toàn vùng nuôi hiện có 30 hộ tham gia, trong đó 18 hộ dân là xã viên của HTX NTTS Diêm Hải, còn lại do cá nhân tự thuê đất và đầu tư nuôi không theo tổ chức nào. Theo đó, việc quản lý con giống trước khi thả nuôi gặp khó khăn; đặc biệt, khi dịch bệnh xẩy ra, các hộ dân tự ý tháo xả nước ra ngoài nên rất khó kiểm soát, làm ảnh hưởng đến cả vùng nuôi...

“Để nuôi tôm thuộc vùng dự án Suma phát huy hiệu quả, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sửa chữa, nâng cấp hệ thống tuyến kênh tiêu thoát nước; các hộ dân phải thành lập tổ cộng đồng để cùng có trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát và phòng chống dịch bệnh” - ông Cần khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast