Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công

(Baohatinh.vn) - Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ, thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ của chúng ta đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công.

pho thu tuong vuong dinh hue chinh phu noi khong voi tang tran no cong

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham gia vào phiên chất vấn thành viên Chính phủ tại hội trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2015, nợ công của chúng ta đến sát trần là 65%. Dư nợ Chính phủ trên 53%, tức là vượt trần cho phép. Tỷ lệ chi trả nợ vay là 27,3%, tức là cao hơn tiêu chuẩn cho phép của quốc tế là 25%. Trước bối cảnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã có đánh giá nợ công đang tăng, áp lực trả nợ lớn. Xác định giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn 2016-2020.

Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ kép của năm 2016-2020, vừa phải đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, vừa phải tập trung giải quyết yếu kém, bất cập nội tại của nền kinh tế đã tích tụ từ nhiều năm ngày càng bộc lộ rõ. Trong điều kiện dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn chật hẹp, kinh tế thế giới khu vực còn nhiều khó khăn, đây vấn đề nan giải đặt ra cho toàn thể hệ thống chính trị của chúng ta. Trong bối cảnh đó, vấn đề lựa chọn chính sách như thế nào?

Nhiều thành viên của Chính phủ, kể cả một số đại biểu Quốc hội và nhiều chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nên nghiên cứu để trình Trung ương, trình Quốc hội xin nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao khi đất nước đang nghèo và nhu cầu cho phát triển rất lớn, đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ và thấy rằng, trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và phần vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công.

Thay cho việc trình Trung ương và Quốc hội xin nới trần nợ công, Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu, chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công để trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Chúng tôi cho rằng đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên Bộ Chính trị có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị cũng như các Nghị quyết Trung ương 4 và 5 khóa XII, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn với mục tiêu bảo đảm cân đối ngân sách một cách tích cực nhất, giữ vững an ninh tài chính quốc gia đối với các chỉ tiêu cụ thể là: tỷ lệ huy động vào ngân sách phấn đấu khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu của giai đoạn này khoảng 1,65 lần so với giai đoạn trước.

Cơ cấu lại các khoản thu về ngân sách, trong đó giảm thu từ dầu thô xuất nhập khẩu và tăng thu nội địa. Chi ngân sách phải giữ trong mức 24 - 25% GDP, trong đó phấn đấu chi đầu tư phát triển khoảng 24 - 25%, chi thường xuyên dưới 64%. Giảm dần bội chi đến năm 2020 còn khoảng 3,5%. Quy mô nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%.

Trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết số 51 ngày 19/6/2017 về chương trình hành động để thực hiện các chủ trương lớn và giải pháp chủ yếu đối với vấn đề này. Về quan điểm, chúng ta phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo hiệu quả, toàn diện công bằng và bền vững, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đặt ra là phải coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, chỉ tiêu trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ.

Kết hợp giải quyết hài hòa các vấn đề quan trọng cấp bách trước mắt với các vấn đề căn cơ và lâu dài hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, tăng cường công khai minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là đối với người đứng đầu trong vấn đề thu, chi ngân sách, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng xin - cho.

Về các nhóm giải pháp chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo với đại biểu Quốc hội qua một số câu trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tôi xin thay mặt Chính phủ báo cáo thêm một số nhóm nhiệm vụ giải pháp chính mà Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện từ nay đến năm 2020 như sau:

Thứ nhất, chúng ta phải kiên định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu và coi đây là một giải pháp của mọi giải pháp.

Thứ hai, phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu phát triển nhanh, bền vững. Nhiều đại biểu Quốc hội nói vay nợ như thế nào không quan trọng lắm bằng chuyện hiệu quả sử dụng vốn vay, chúng tôi rất tán thành với quan điểm này. Chúng ta phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách, để không bị tụt lại hơn nữa đối với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng đồng thời phải phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường. Trong đó bền vững nợ công cũng là một nội dung trong bền vững về kinh tế.

Thứ ba, cần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, tạo thống nhất nhận thức và hành động về chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, pháp luật ngân sách nhà nước về quản lý nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo an toàn bền vững nền tài chính quốc gia theo một số trọng điểm sau đây:

Hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống thất thu gian lận thuế và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất. Tôi xin khẳng định lại chủ trương của Chính phủ là như vậy.

Đương nhiên, trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, chúng ta phải tính toán, điều chỉnh một số khoản thu nội địa nhưng các khoản thu liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp là hết sức cẩn trọng, đặc biệt là chúng ta cần phải giảm thuế để bồi dưỡng nguồn thu, thay cho việc trước mắt phải tính toán, tăng một số khoản thu liên quan đến các sắc thuế quan trọng thì đi sâu vào vấn đề mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn cơ sở thuế, nhất là quản lý chứng từ, hóa đơn và quản lý khu vực kinh tế phi chính thức. Tôi xin khẳng định lại với Quốc hội là chủ trương xuyên suốt của Thủ tướng và của Chính phủ chỉ đạo là như vậy để chúng ta có nguồn thu ổn định và lâu dài.

Trong trọng điểm chống gian lận thuế, trong lĩnh vực FDI chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc chống chuyển giá và đặc biệt là thực hiện cơ chế đăng ký giá trước trong Luật Quản lý thuế. Đối với thuế nội địa thì chúng ta phải tăng cường quản lý khu vực kinh tế phi chính thức và thực hiện chế độ hóa đơn điện tử, quản lý chặt chẽ thuế ngoài quốc doanh.

Đối với lĩnh vực hải quan, có hai vấn đề trọng điểm. Một là phải áp đúng mã hồ sơ, tránh áp sai mã thuế. Hai là kê khai giá tính thuế sai, thường thường kê khai thấp đi để chúng ta bị hụt thuế. Đấy là hai lĩnh vực quan trọng nhất của hải quan.

Chúng ta cũng phải từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Báo cáo Quốc hội, tín hiệu cũng rất đáng mừng, trước đây gần 70% chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách, năm 2017 chúng ta đã rút xuống được 64,9%, theo dự toán năm 2018 xuống còn 64,1%, tới đây còn tiếp tục giảm xuống dưới 64%. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý nợ công và trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công sẽ xem xét để quyết định trong nhiệm kỳ này.

Đảm bảo các công cụ chính sách, các chỉ tiêu giám sát nợ công và hoàn thiện bộ máy quản lý nợ công và tập trung cơ cấu lại nợ công theo hướng, như đại biểu Quốc hội cũng đã nêu, là tăng tỷ trọng nợ trong nước và giảm vay nước ngoài, vấn đề này còn quan trọng là giảm được rủi ro về mặt tỷ giá. Chuyển nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn và chuyển nợ lãi suất cao thành nợ lãi suất thấp, giảm nợ Chính phủ bảo lãnh.

Như đại biểu Quốc hội có nói, bây giờ Chính phủ phải giảm bảo lãnh đi thì sẽ giảm được nợ của Chính phủ, lấy dư địa để chúng ta tăng các khoản vay khác cần thiết. Trong năm 2016, Chính phủ chỉ duyệt duy nhất một dự án cấp bảo lãnh là 170 triệu đô la và 9 tháng đầu năm nay là không cấp bất cứ một bảo lãnh Chính phủ nào và chúng ta chuyển vay về để cấp phát sang cho vay lại đối với chính quyền địa phương và cho vay lại đối với đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, tình hình có xu hướng tốt hơn, nợ công hiện còn có 62,6%, nợ Chính phủ 51,8% theo mức trần 65% và 54% mà Quốc hội cho phép.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast