Quy định cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường GTNT-TLNĐ năm 2013

Quyết định vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn ký ban hành nhấn mạnh, cơ chế này chỉ áp dụng trong năm 2013; cuối năm 2013 sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, sửa đổi những nội dung không phù hợp để hoàn chỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh cho phép thực hiện năm 2014 và các năm tiếp theo.

Các địa phương làm đường trục thôn, xóm được ngân sách tỉnh hỗ trợ chung cho các xã là 40% khối lượng xi măng
Các địa phương làm đường trục thôn, xóm được ngân sách tỉnh hỗ trợ chung cho các xã là 40% khối lượng xi măng

Cụ thể hỗ trợ xi măng về làm giao thông: đối với đường trục thôn, xóm, ngân sách tỉnh hỗ trợ chung cho các xã là 40% khối lượng xi măng, riêng các xã 30b được hỗ trợ 60%; đối với đường ngõ xóm, ngân sách tỉnh hỗ trợ chung cho các xã là 30% khối lượng xi măng, các xã 30b được hỗ trợ 50%.

Đối với công trình đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các xã được ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%, ngân sách huyện 30%, ngân sách xã 10%; riêng các xã 30b thì ngân sách tỉnh hỗ trợ tăng lên 70%, ngân sách huyện 25%, ngân sách xã 5%.

Đối với đường vào các khu sản xuất tập trung theo tiêu chí quy định thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% xi măng.

Ngoài hỗ trợ xi măng, các cấp ngân sách tùy theo khả năng có thể hỗ trợ thêm các loại vật tư, chi phí khác nhưng không được vượt mức quy định về hỗ trợ từ ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 22/2/2013 của UBND tỉnh.

Về cơ chế thực hiện, UBND tỉnh ủy quyền Sở Tài chính ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung ứng xi măng (theo quyết định của UBND tỉnh) về giá cả, phương thức thanh toán, cách thức giao nhận cùng các nội dung khác có liên quan, đồng thời trực tiếp thanh quyết toán với nhà cung ứng.

UBND các huyện, thành phố, thị xã là đầu mối lập kế hoạch về nhu cầu, số lượng, thời gian cung ứng xi măng cho các xã theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; có văn bản cam kết phần ngân sách huyện và chỉ đạo xã trích ngân sách theo cơ chế này, tổ chức nhân dân huy động đủ các nguồn lực để triển khai thực hiện, đồng thời có văn bản ủy quyền ngân sách tỉnh chi trả cho nhà cung ứng phần ngân sách huyện đảm bảo.

UBND xã trực tiếp ký hợp đồng với nhà cung ứng (theo quyết định của UBND tỉnh) và trực tiếp nhận xi măng tại địa bàn xã đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; nghiệm thu thanh lý hợp đồng về số lượng và chất lượng với nhà cung ứng; phân phối xi măng cho các thôn, xóm để thực hiện đề án giao thông, thủy lợi nội đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt; có văn bản cam kết phần ngân sách xã và chỉ đạo thôn, các tổ chức, cá nhân huy động đủ các nguồn lực để triển khai thực hiện, đồng thời có văn bản ủy quyền ngân sách tỉnh chi trả cho nhà cung ứng (phần ngân sách xã đảm bảo).

Theo UBND tỉnh, nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ xi măng năm 2013 là 82 tỷ đồng, trong đó 70 tỷ đồng nguồn vay tín dụng ưu đãi, 12 tỷ đồng từ nguồn kết dư ngân sách của các nhiệm vụ còn lại; đối với nguồn kinh phí trả vào quý I/2014, sẽ bố trí trong dự toán ngân sách năm 2014 trình HĐND tỉnh.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast